Các hộ chăn nuôi trên địa bàn Thạnh Hóa đang nâng cao ý thức về môi trường |
Nhiều điểm sáng
Sở hữu trang trại quy mô lớn bậc nhất trên địa bàn xã Thạnh An (huyện Thạnh Hóa), ông Phạm Văn Đấu đang là một trong những điển hình về chăn nuôi quy mô lớn cho hiệu quả cao, tuân thủ tốt các quy định về môi trường, vệ sinh thực phẩm.
Khởi nghiệp từ năm 2005, ông Đấu đang phát triển hiệu quả trang trại nôi gà chất lượng cao trên quy mô hơn 5 ha, tổng đàn hơn 40.000 con.
Để phát huy hiệu quả của mô hình, bên cạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới, ông Đấu đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi đúng tiêu chuẩn, có hồ sơ đánh giá tác động môi trường và hệ thống xử lý chất thải do ngành chức năng cấp phép, bảo đảm vấn đề môi trường trong phát triển chăn nuôi.
Theo ông Phạm Văn Đấu môi trường trong lành là điều kiện bắt buộc để vật nuôi phát triển ổn định, giảm thiểu nguy cơ xảy ra dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả chăn nuôi.
Vì vậy, khi xây dựng trang trại, gia đình ông đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn; tráng bêtông xung quanh chuồng trại để dễ dọn vệ sinh hàng ngày. Chất thải chăn nuôi được phân loại, xử lý, bảo đảm môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ, không gây ô nhiễm.
“Nhờ chăn nuôi khoa học, hệ thống chuồng trại của tôi hoàn toàn không có mùi hôi thối khó chịu, vật nuôi phát triển, tăng trọng lượng nhanh, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Với quy mô hiện tại, hàng năm tôi thu lãi ròng hàng tỷ đồng”, ông Đấu chia sẻ.
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa cho biết trên địa bàn hiện có hơn 20 trang trại, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn (tổng đàn gia súc hơn 8.000 con, gia cầm trên 1,5 triệu con), tập trung nhiều ở xã Thạnh An.
Những năm qua, các chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn đang tuân thủ tốt các quy định về môi trường. Việc kiểm tra, giám sát được phòng phối hợp phòng, ban liên quan thực hiện thường xuyên.
Mô hình chăn nuôi sẽ tiếp tục được huyện thúc đẩy phát triển theo hướng sạch |
Cần tiếp tục cải thiện
Không chỉ các trang trại quy mô lớn, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Thạnh Hóa cũng ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, nhiều hộ chăn nuôi đang xử lý chất thải để tận dụng vào hoạt động sản xuất khác, góp phần tăng lợi nhuận, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Điển hình như gia anh Phạm Hữu Tiến đang áp dụng phương thức chăn nuôi trên đệm lót sinh học giúp trang trại chăn nuôi bò giảm thiểu mùi hôi, ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Tiến chia sẻ: “Đệm sinh học rất hữu ích cho việc chăn nuôi vì có thể chủ động xử lý tốt chất thải, bảo vệ môi trường xung quanh, hạn chế các mầm bệnh, tận dụng làm phân bón cho cây trồng, bề mặt chuồng trại được rải một lớp xơ dừa, sau đó phun vi sinh”.
Hiện, trang trại của anh Tiến đang nuôi 45 con bò, toàn bộ phân, nước tiểu của đàn bò được hút bởi lớp đệm lót sinh học, giúp chuồng trại thông thoáng, không hôi thối, sạch sẽ. Sau đó, chất thải được thu gom, ủ làm phân bón. Nước thải được chuyển vào hệ thống lọc để xử lý trước khi thải ra bên ngoài môi trường.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn đang ngày càng nâng cao nhận thức về sản xuất hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, tuy nhiên, tại nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, các quy định về an toàn vệ sinh chưa thực sự được đảm bảo.
Vì vâỵ, trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các địa phương chuyển đổi ngành, nghề phù hợp cho người dân, hạn chế chăn nuôi nhỏ, lẻ, nhất là trong khu vực đông dân cư; hỗ trợ người chăn nuôi sử dụng các chế phẩm vi sinh, áp dụng các mô hình hay vào xử lý chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả.
Đại Nam