Đam Rông đang là điểm sáng nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng |
Phát huy hiệu quả
Có khí hậu mát mẻ, nguồn tài nguyên nước mát, nước lạnh dồi dào (nhiệt độ dưới 18 độ C, độ cao từ 600m trở lên), Đam Rông có điều kiện tuyệt vời để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh như cá tầm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Một trong những hộ có cá thương phẩm bán lứa đầu tiên trên địa bàn huyện là gia đình anh Vũ Văn Hưng (xã Rô Men). Sau một thời gian dài gắn bó với nghề nuôi lợn thương phẩm nhưng lợi nhuận không cao, anh Hưng quyết định chuyển sang nuôi cá tầm nước lạnh.
Anh Hưng chia sẻ: “Nuôi cá tầm nước lạnh tưởng khó mà rất dễ. Điều quan trọng nhất là phải nắm vững quy trình sản xuất, quá trình sinh trưởng, phát triển của con cá. Đặc biệt, người nuôi phải đảm bảo nguồn nước nuôi cá luôn sạch, nên bảo vệ môi trường là yếu tố tối cần thiết tại các vùng nuôi”.
Điển hình, để cá phát triển ổn định, anh Hưng sử dụng loại cám chuyên dụng, có chất lượng cao, được tính toán liều lượng hợp lý để đáp ứng đà sinh trưởng của cá, vừa giảm thiểu lãng phí, tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Trong quá trình nuôi, các loại chất thải luôn được anh xử lý triệt để.
Theo các hộ dân trên địa bàn, thời gian nuôi cá tầm thương phẩm kéo dài 12 - 18 tháng, trọng lượng đạt từ 1,8 - 2,5 kg/con. Sản phẩm được hợp đồng và xuất đi các thành phố lớn. Giá cá tầm thương phẩm đang dao động mức 170 - 200 nghìn đồng/kg. Với năng suất 10 - 15kg/m3, người chăn nuôi có thể đạt lợi nhuận 25 - 30 triệu đồng/bể 16 m3.
Cá nước lạnh đang có giá trị cao |
Mở rộng mô hình
Ông Nguyễn Văn Chính – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đam Rông, đánh giá nuôi cá tầm là mô hình mới của địa phương. Với hiệu quả vượt trội, mô hình đang được huyện và ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện để các hộ phát triển.
Đầu năm 2019, để tạo điểm tựa cho người dân phát triển, huyện đã hỗ trợ thành lập HTX nuôi cá tầm tại xã Rô Men. Huyện cũng đang cử cán bộ về cơ sở để hướng dẫn các hộ chăn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, đồng thời khảo sát thực tế để có cơ sở định hướng, kiến nghị các ngành chức năng, tạo điều kiện về nguồn vốn vay cho các hộ.
“Huyện đã chỉ đạo các địa phương cùng với các ngành liên quan thực hiện các giải pháp hỗ trợ các hộ nuôi cá về kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hướng các hộ vào HTX, tổ hợp tác, để chăn nuôi có quy trình, quản lý được nguồn chất lượng con giống và sản phẩm đầu ra”, ông Chính nhấn mạnh.
Theo thống kê, toàn huyện Đam Rông hiện có 6 doanh nghiệp, HTX và gần 10 hộ nuôi cá tầm với quy mô 1.000 – 5.000 con cá thương phẩm, tổng sản lượng đạt trên 300 tấn/năm.
Không chỉ tại Đam Rông, mô hình nuôi cá nước lạnh được tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh cả về quy mô lẫn chất lượng. Trong đó, hướng nuôi công nghiệp, kỹ thuật cao là khoảng 100 ha vào năm 2020, nuôi lồng bè là 50 ha...
Ông Nguyễn Đình An - Chủ tịch Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, nhấn mạnh: “Hiệp hội sẽ chủ động hỗ trợ các thành viên, người dân nuôi cá hướng đến sự phát triển bền vững, sử dụng hợp lý tiềm năng nguồn nước theo quy hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, chăn nuôi cá nước lạnh phải gắn liền bảo vệ môi trường sinh thái, giảm các tác động xấu do ngành gây nên”.
Mộc Miên