Cây khoai ngó đang nhân rộng trên địa bàn xã Lê Hồng |
Bén duyên với khoai lấy ngó
Có kinh nghiệm hơn 5 năm trồng khoai lấy ngó, ông Bùi Duy Tin (thôn Đại Đồng) cho biết cây khoai lấy ngó đến với người dân Lê Hồng vô cùng tình cờ khi một hộ dân tìm và đưa giống khoai có nguồn gốc từ Thái Lan về trồng.
Cây khoai lấy ngó ở Lê Hồng nhìn giống với cây mùng, cây khoai ngứa nhưng lại cho nhiều ngó, ngó có hương vị thơm ngon, ngọt, rất được lòng khách hàng và được bán với giá ổn định 13.000 – 15.000 đồng/kg, có những thời điểm lên tới hơn 20.000 đồng/kg.
Ông Tin cho biết sau khoảng 4 – 5 ngày, cây khoai cho thu ngó một lần, năng suất bình quân đạt trên 50 kg/sào. Hiện, hầu hết các hộ trồng ngó quy mô lớn trên địa bàn đều có liên kết với cơ sở sản xuất nên thị trường ổn định, giá bán đạt 13.000 – 15.000 đồng/kg.
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ lớn, giá ngó khoai tăng đột biến, có khi lên 20.000 – 25.000 đồng/kg. Với giá bán cao, trung bình mỗi sào khoai lấy ngó đem lại thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng cho người dân.
Ông Phạm Văn Cường – Trưởng thôn Đại Đồng, cho hay hiện bình quân mỗi ngày người dân trong thôn xuất bán ra thị trường hơn 100 kg ngó khoai. Không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong tỉnh, ngó khoai Lê Hồng đang được xuất đi nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Ngó khoai sạch được thị trường ưa chuộng |
Lợi ích môi trường
Theo tính toán của người dân địa phương, mô hình trồng khoai lấy ngó cho giá trị kinh tế gấp 4 – 5 lần trồng lúa truyền thống. Với đặc tính thổ nhưỡng, nguồn nước ở Thanh Hồng, cây khoai có tốc độ tăng trưởng nhanh, tốn ít công chăm sóc.
Các hộ sản xuất địa phương chia sẻ khoai ngó cần nhất là nước, vì vậy các cánh đồng luôn phải đảm bảo lượng nước đầy đủ. Khoai cần ít phân, chủ yếu dùng phân lân trong giai đoạn đầu sinh trưởng của cây để kích thích ra ngó. Về sâu bệnh, khoai ngó chủ yếu bị sâu xanh, chỉ cần dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ đầu vụ.
Ngó khoai là thực phẩm tươi, vì vậy yêu cầu về chất lượng là đặc biệt quan trọng. Trước yêu cầu của thị trường, những năm qua, người dân trong vùng đã sử dụng phương pháp sản xuất sạch, hạn chế tối đa lượng phân bón, thuốc trừ sâu để đảm bảo chất lượng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, mô hình trồng khoai ngó theo hướng hữu cơ đang mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho người dân Lê Hồng, mang lại những lợi ích kép về kinh tế, môi trường.
Theo UBND xã Lê Hồng, để phát huy tính hiệu quả, bền vững của mô hình, địa phương sẽ thúc đẩy các mô hình phát triển theo hướng VietGAP, chú trọng sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… để xây dựng vùng sản xuất khoai chất lượng cao, có sức cạnh tranh mạnh.
Để xây dựng chuỗi, việc mở rộng quy mô là điều kiện bắt buộc, vì vậy ngành nông nghiệp xã đang tích cực nghiên cứu để quy hoạch vùng trồng hợp lý, tăng cường kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm, khơi thông đầu ra cho người dân.
“Bên cạnh hoàn thiện sản xuất, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, các vùng trồng trong xã đang nghiên cứu để giảm xuất thô, tăng chế biến sâu ngó khoai, hoàn thiện bao bì, tem nhãn… nhằm tăng độ nhận diện, nâng cao giá trị sản phẩm”, Trưởng thôn Đại Đồng, ông Phạm Văn Cường nhấn mạnh.
Hạ Vi