Vịt Thượng Lâm đang được phát triển theo hướng VietGAP |
Hiệu quả bước đầu
Vốn là giống vật nuôi thuần chủng tại địa bàn sinh sống của người Tày ở Yên Bái, vịt bầu được phát triển ở Lâm Thượng. Nơi đây có nguồn nước phong phú, hệ thống mương, suối nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 30 hộ chăn thả vịt bầu.
Khác với các giống vịt lai nhập về địa phương, vịt bầu được bà con đồng bào người Tày ở Lâm Thượng nhân giống từ giống vịt bản địa, bằng phương pháp ấp nở trứng vịt từ lứa này tới lứa khác để duy trì nguồn giống.
Điều đặc biệt ở Lâm Thượng là người dân canh tác lúa nước nên nguồn thức ăn tự nhiên như ốc vặn, tép, cá con và các loài thủy sinh trên đồng rất phong phú. Bên cạnh đó, hệ thống sông, suối trên địa bàn có rêu đá, ốc đá phát triển, trở thành nguồn thức ăn rất tốt cho vịt.
Ngoài thức ăn tự nhiên, người nuôi còn bổ sung thêm thóc, ngô để vịt nhanh lớn. Sau khoảng 3,5 - 4 tháng, vịt bầu có thể đạt trọng lượng 2 - 2,5 kg.
Sở hữu đàn vịt hơn 400 con, anh Nguyễn Văn Lâm cho biết trước đây các hộ nuôi vịt chủ yếu chăn thả tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây bắt đầu phát triển theo hướng trang trại, ứng dụng kỹ thuật, chăn nuôi sạch, giúp đàn vịt tăng trưởng nhanh hơn, giá trị gia tăng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
“Vịt bầu là đặc sản nên bán rất chạy, giá bán cũng ổn định trong nhiều năm qua, trung bình đạt 65.000 – 70.000 đồng/kg. Với hơn 400 con vịt, bình quân mỗi vụ, tôi thu về trên dưới 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí”, anh Lâm chia sẻ.
Nhờ chăn nuôi sạch, vịt Thượng Lâm có chất lượng cao |
Đẩy mạnh kỹ thuật
Cũng gặt hái thành công từ mô hình nuôi vịt bầu hơn 300 con, anh Đặng Hữu Cơ cho hay: “Để đàn vịt khỏe mạnh và lớn nhanh, tôi luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi, từ việc xây dựng chuồng trại đúng quy cách, đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát”.
Bên cạnh đó, anh Cơ cũng chủ động áp dụng đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học trên đàn vịt như vệ sinh khử trùng tiêu độc cho chuồng trại, ao nuôi và các dụng cụ chăn nuôi theo định kỳ, phát dọn cây cỏ, diệt côn trùng, những con vịt chết được tiêu hủy đúng cách, giúp đàn vịt tăng trưởng ổn định, chất lượng thịt đảm bảo.
Với hiệu quả tích cực, đại diện UBND xã Lâm Thượng cho biết địa phương đang tăng cường khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển mô hình chăn nuôi vịt bầu theo hướng trang trại, chú trọng khoa học – kỹ thuật, bảo vệ môi trường.
Cụ thể, thời gian qua, xã đã phối hợp với huyện và các ngành chức năng tổ chức các khóa tập huấn chăn nuôi vịt bầu theo hướng an toàn dịch bệnh.
Các khóa tập huấn giúp các hộ chăn nuôi nắm vững quy trình chăm sóc và quản lý theo đúng kỹ thuật, cho vịt ăn thức ăn bao gồm lúa, ngô, rau xanh, thân chuối thái nhỏ kết hợp thêm thức ăn công nghiệp đảm bảo tỷ lệ đạm 17-19%; thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, như phòng bệnh bằng vắc xin, phòng bằng thuốc tân dược và sử dụng một số loại thuốc để phòng các bệnh cầu trùng, phó thương hàn, bệnh đường hô hấp, đường tiêu hoá, các bệnh nhiễm khuẩn, viêm gan, dịch tả vịt…
Công tác quảng bá, kết nối thị trường, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm vịt bầu Lâm Thượng cũng được các ban ngành huyện Lục Yên chú trọng. Không chỉ trên địa bàn Lâm Thượng, giống vịt bầu Lâm Thương đang được nhân rộng tại nhiều địa phương, cho hiệu quả kép về kinh tế và môi trường.
Phượng Vỹ