Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Than Uyên chú trọng xây dựng những mô hình kinh tế, thu hút người dân tham gia cùng sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cũng như làm giàu chính đáng.
Liên kết để thoát nghèo
Theo lãnh đạo huyện Than Uyên, liên kết trong sản xuất và kinh doanh là hướng đi được khuyến khích phát triển hiện nay của tỉnh. Nếu không liên kết sản xuất thì nền nông nghiệp mãi lạc hậu, không thể nâng cao thu nhập cho người dân chứ chưa nói đến việc làm giàu.
Để giải quyết khó khăn này, chỉ có cùng nhau tham gia HTX, tổ hợp tác thì người dân mới dần thay đổi về tư duy và hành động. Vì HTX, tổ hợp tác chính là cầu nối giúp người dân liên kết với doanh nghiệp, từ đó được hỗ trợ từ đầu vào đến đầu ra nhằm nâng cao hiệu quả.
Tuy nhiên, để người dân tham gia HTX không hề đơn giản, bởi nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, khi vào HTX phải góp vốn nên không ít người e ngại trong khi không biết việc tham gia có mang lại lợi ích thiết thực hay không.
Chính vì vậy, các cấp lãnh đạo và Liên minh HTX tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, sau đó xây dựng những mô hình HTX kiểu mẫu để người dân yên tâm, sau đó nhân rộng.
Một trong những mô hình được tập trung hỗ trợ là HTX Minh Thuận với hoạt động nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng hàng hóa. Mô hình sản xuất được Liên Minh HTX tỉnh hỗ trợ giống, lồng, thức ăn, kinh nghiệm, vật tư phòng bệnh trị giá gần 200 triệu đồng, còn lại là kinh phí đối ứng.
Mô hình nuôi chim bồ câu của HTX Minh Thuận (Ảnh: Internet) |
Sau khi triển khai mô hình, Liên minh HTX tỉnh cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn thành viên cách chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh cho chim bồ câu Pháp. Đầu ra cũng được gợi mở, nên HTX không gặp quá nhiều khó khăn.
Hiện, HTX sẵn sàng tư vấn, thiết kế xây dựng chuồng trại, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống cho cá nhân, tập thể có nhu cầu đầu tư.
Từ 100 đôi, đến nay, HTX đã nhân lên thành 600 đôi bồ câu và sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, đầu tư xây dựng hệ thống ăn, uống tự động, chuẩn hóa quy trình chăn nuôi bồ câu, đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm…
Giống chim này rất thích nghi với khí hậu cũng như các loại thức ăn sẵn có nơi đây như: ngô, khoai, sắn. Bình quân 1 tháng nuôi chim thịt xuất chuồng mỗi con lãi 30 nghìn đồng, riêng chim giống lãi 50 nghìn đồng. Nhờ đó, người dân có thêm việc làm, lại nâng cao được thu nhập.
Hiện nay, HTX còn vay thêm vốn, mở rộng sang nuôi thỏ và hoàn thiện 200m2 chuồng, nuôi 20 con lợn siêu nạc. Đây là tiền đề thuận lợi để HTX tiếp tục phát triển ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên, từng bước giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Tạo điều kiện phát triển HTX
Từ mô hình sản xuất chim bồ câu của HTX Minh Thuận, hiện nay, trên địa bàn huyện Than Uyên hình thành được không ít mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, thu hút người dân tham gia phát triển kinh tế.
Điển hình như HTX Phương Nhung chuyên kinh doanh về lĩnh vực vật liệu xây dựng, làm đường giao thông, công trình thủy lợi, môi trường đô thị, máy móc thiết bị, lắp đặt điện, giống cây con. HTX đã giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho trên 100 lao động thời vụ trên địa bàn huyện.
Hay như mô hình ký kết mua sản phẩm lúa Séng cù trên địa bàn: Mường Cang, Hua Nà, Mường Than của HTX nông nghiệp Thanh Xuân; mô hình nuôi cá lồng của HTX Thanh niên Mường Mít…
HTX nông nghiệp Thanh Xuân giúp người dân thoát nghèo nhờ sản xuất gạo Séng Cù (Ảnh: Internet) |
Có thể nói, các HTX chính là nhân tố quan trọng giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc liên kết chuỗi giá trị hàng hóa. Thông qua các HTX, mô hình sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững được hình thành, từng bước tạo vùng chuyên canh tại địa phương và thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất.
Hoạt động theo Luật HTX 2012, các HTX đều có phương án, kế hoạch sản xuất rõ ràng nên dù kinh doanh ở lĩnh vực nào, các HTX cũng hướng đến những cái lợi cho người dân và thành viên. Chính vì vậy mà người dân yên tâm tham gia HTX.
Từ đây, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX được hình thành và đảm bảo quan hệ cung-cầu hài hòa, tránh được tình trạng được mùa mất giá. Qua đó, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.
Từ hiệu quả của các mô hình HTX, huyện chú trọng thành lập HTX đi đôi với nâng cao chất lượng HTX, hỗ trợ HTX trở thành trung tâm liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thực hiện chuỗi giá trị sản xuất từ đầu vào đến đầu ra và tiêu thụ sản phẩm với ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, nhận thức trách nhiệm về của người dân về kinh tế hợp tác đã thay đổi. Nhiều người chủ động thành lập và tham gia HTX và coi đó là nền tảng để giảm nghèo và làm giàu. Nhiều hộ nghèo cũng chủ động đăng ký thoát nghèo.
Như Yến