Năm 2013, du lịch sinh thái Cù Lao Chàm đã nâng lên một tầm mới. Cù Lao Chàm thực sự trở thành sản phẩm mục tiêu trong phát triển du lịch của Hội An và Quảng Nam. Tại điểm cuối của vùng hạ lưu, một dòng vật chất được chuyển vào đất liền hoặc phục vụ du lịch trên đảo bao gồm các sản phẩm thủy sản, cua đá, lá rừng, võng ngô đồng, cảnh quan môi trường, đời sống cộng đồng,... Theo đó, những mô hình dần được hình thành và phát triển như mô hình bảo tồn biển, danh hiệu khu dự trữ sinh quyển, mô hình cua đá, mô hình không túi ni lông, mô hình phân loại rác tại nguồn, mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay).
Nghề bắt cua trong hang đá
Mỗi con cua mai dài hơn 7 cm mới được phép bắt (Ảnh: Tư liệu) |
Những năm 2000, trước khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, khách du lịch đến tham quan nơi này rất đông. Cua đá trở thành đặc sản, giá bán cao nên được lùng sục, săn bắt cả ngày lẫn đêm.
Lo ngại cua bị tuyệt chủng, năm 2006, Ban Quản lý khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng chính quyền Hội An bàn biện pháp bảo tồn với mục đích tạo sinh kế cho người dân trên đảo. Sau 2 năm triển khai, năm 2008, một tổ cộng đồng bắt cua ra đời với mục đích vừa khai thác vừa bảo vệ.
Cua đá Cù Lao Chàm toàn thân màu tím, có một càng to, một càng nhỏ, thường sinh sống ở núi cao, đến mùa mưa di chuyển xuống sát bờ biển. Mỗi năm từ ngày tháng 3 - 6, Tổ cộng đồng được phép bắt cua; từ tháng 7 đến hết tháng 2 năm sau, thời điểm cua sinh nở, cấm khai thác. Những ai hành nghề bắt cua đá phải tham gia tổ này và tuân thủ quy định mỗi con cua mai dài hơn 7 cm mới bắt, nhỏ hơn thả lại.
Ông Nguyễn Duy Khanh, Chủ nhiệm HTX cua đá Cù Lao Chàm, kiêm Tổ trưởng bắt cua đá cho biết, tổ có 42 người, người ngoài không được bắt cua đá, nếu vi phạm sẽ bị phạt.
Cầm từng con cua, ông Khanh dùng thước đo, con trên 7 cm thì dán tem, những con nhỏ sẽ thu giữ, thả ở đảo Hòn Dài. Năm 2017, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm thành lập ngân hàng cua đá ở đảo này và cấm khai thác để bảo tồn.
Ông Khanh khẳng định: "Tem dán trên lưng cua rất khó bong tróc và sẽ theo nó lên bàn ăn. Bất cứ người dân hay nhà hàng nào bán cua không có tem đều bị xử phạt rất nặng, thậm chí tước giấy phép kinh doanh nếu tái phạm".
Theo ông Khanh, bình thường ngày nắng, HTX thu mua được vài kg cua đá, còn ngày mưa trên 50 kg. Cua bán ra thị trường giá 1,2 triệu đồng/kg; các nhà hàng, quán nhậu chế biến bán giá 2 triệu đồng.
HTX Cù Lao Chàm
Cua đá dán tem và đủ kích cỡ mới được bán ra thị trường (Ảnh: Tư liệu) |
Tháng 7/2018, HTX Cù Lao Chàm được thành lập, ông Trần Công làm Chủ tịch HĐQT với 35 thành viên nòng cốt, chủ yếu là những người chuyên săn bắt cua đá và khai thác các sản vật khác như rau, lá rừng... trên đảo. Đây là HTX đầu tiên được thành lập tại đảo Cù Lao Chàm. Tiền thân và nòng cốt của HTX là các thành viên trong Tổ tự quản cộng đồng dán nhãn sinh thái Cua đá (Cù Lao Chàm).
Đây là mô hình tổ chức sản xuất được hình thành trên tinh thần tự nguyện tự giác, hướng đến mục tiêu xây dựng thành công xã nông thôn mới đáp ứng tiêu chí 13 trong Bộ gồm 19 tiêu chí quốc gia là “Xã có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012”.
Trước mắt, HTX tập trung việc khai thác, bảo tồn cua đá, nâng cao thương hiệu "đặc sản" cua đá, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời tăng cường việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân và du khách trong việc bảo vệ cua đá và các sản phẩm khác trên đảo; phát triển các sản phẩm khác từ thế mạnh của địa phương như trà túi lọc, hải sản và dịch vụ du lịch.
HTX sẽ xây dựng phương án cụ thể trong hoạt động, cam kết ổn định giá cả, có nhãn hiệu sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. HTX đặt kế hoạch hằng năm chỉ cho khai thác tối đa 500kg cua đá, doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng sau 3 năm.
Những năm qua, cua đá và các sản phẩm từ thiên nhiên ở Cù Lao Chàm được người dân khai thác tự phát, mặc dù chính quyền xã đảo Tân Hiệp tổ chức kiểm tra, dán nhãn cua đá và hạn chế số lượng săn bắt nhưng nguy cơ cạn kiệt do giá cả cao, nhu cầu du khách ngày càng tăng. HTX Cù Lao Chàm ra đời sẽ đảm bảo tốt hơn công tác bảo tồn, khai thác hiệu quả gắn với phát triển du lịch bền vững trong những năm tới.
Các thành viên HTX hy vọng, việc khai thác cua đá đúng quy chuẩn, số lượng nhất định sẽ góp phần phát triển kinh tế, cũng như bảo tồn hiệu quả cua đá.
Mặc dù HTX Cù Lao Chàm mới được thành lập năm 2018 nhưng đã góp phần đáng kể vào việc khai thác, bảo tồn hiệu quả cua đá gắn với phát triển du lịch bền vững, doanh thu năm 2019 đạt gần 1 tỷ đồng.
Trong những năm tới, HTX sẽ mở rộng và đa dạng các đối tượng tham gia trên các lĩnh vực hoạt động như: dịch vụ du lịch tại chỗ, đặc sản thực phẩm, nghề thủ công mỹ nghệ…
Ngọc Giang