Có số lượng đông đảo, hoạt động tương đối hiệu quả, tuy nhiên, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được đánh giá là vẫn chưa đủ mạnh, quy mô còn nhỏ, chất lượng hoạt động chưa đồng đều, chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Khắc phục khó khăn
Trước những khó khăn của các HTX nông nghiệp, trong 5 năm qua, Thái Nguyên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, như mở lớp tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho các cán bộ HTX, xúc tiến thương mại và đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, hỗ trợ và triển khai nguồn vốn vay…
Bên cạnh trang bị kiến thức về kỹ thuật, tiếp sức về vốn thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cũng được đánh giá là giải pháp thiết thực. Được thành lập từ năm 2009, đến nay, Quỹ đã ký kết hợp đồng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với 380 lượt khách hàng là các HTX, THT, thành viên các HTX trên địa bàn tỉnh.
Việc hỗ trợ vốn vay kịp thời đã giúp các HTX, THT tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng sức cạnh tranh của các mô hình KTTT, đồng thời, ổn định đời sống thu nhập của thành viên và người lao động.
Nhằm góp phần đổi mới tổ chức quản lý, cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng nhân lực cho các HTX, vừa qua, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt các HTX nông nghiệp thực hiện mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX trên địa bàn tỉnh năm 2018.
Theo đó, có 5 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện hỗ trợ thí điểm với mức hỗ trợ tối đa là 3 lao động/HTX. Những lao động này được Nhà nước hỗ trợ tiền lương hàng tháng bằng mức lương tối thiểu vùng, được quy định với thời gian không quá 36 tháng.
Dồn lực phát triển HTX nông nghiệp |
Nâng cao ý thức ATLĐ
Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các HTX nông nghiệp đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động SX-KD giải quyết việc làm cho xấp xỉ 30.000 thành viên, người lao động (NLĐ) tại các địa phương trong tỉnh.
Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, các HTX nông nghiệp cũng đang bảo đảm khá tốt công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) cho NLĐ. Tuy nhiên, bên cạnh những HTX đang làm tốt, vẫn còn không ít cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới công tác này.
Trước những khó khăn còn tồn tại, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATVSLĐ trong các làng nghề, HTX và bước đầu đem lại những kết quả tích cực.
Điển hình như tại HTX Cổ Lũng (Phú Lương), một trong những HTX tổng hợp, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó chuyên về quản lý, vận hành lưới điện và cung cấp điện cho người dân tại địa phương.
Nhiều năm qua, với ý thức và sự chủ động của mình, HTX được đánh giá là đơn vị thực hiện khá tốt công tác bảo đảm ATLĐ. Với trên 90 thành viên, phụ trách quản lý gần 60km đường dây điện tại địa phương, HTX đã trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ cũng như thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức ATLĐ, PCCN cho lao động, thành viên.
Ông Vũ Văn Cương - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Trong 10 năm thành lập, dù hoạt động trong lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, HTX chưa từng để xảy ra vụ TNLĐ nào. Đặc biệt là ý thức của mỗi công nhân về bảo đảm ATLĐ được nâng cao”.
Hưng Nguyên