Huyện Giao Thủy có 16.599 ha đất canh tác, trong đó có 7.491 ha đất trồng lúa, 1.500 ha đất trồng rau màu. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đã quy hoạch ổn định các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô 30 - 100 ha/vùng, sản xuất 2 vụ lúa/năm.
Nhiều mô hình liên kết của HTX
Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, hàng năm, huyện còn hỗ trợ các DN, hộ nông dân ứng dụng tiến bộ KH-KT, cơ giới hóa các khâu sản xuất. Hiện trên địa bàn huyện có 447 máy làm đất các loại, 83 máy gặt đập liên hợp, 340 máy tuốt lúa, 8 kho bảo quản nông sản… bảo đảm cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch.
Huyện khuyến khích nông dân “bắt tay” với DN liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, huyện xây dựng được 24 cánh đồng lớn, đồng thời quy hoạch và xây dựng được 3 vùng liên kết chuỗi giá trị, tại các xã: Giao Tiến, Giao Thịnh và Giao Xuân.
Ba chuỗi liên kết được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ các khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, giảm tối đa các chi phí sản xuất đầu vào nên hiệu quả kinh tế tăng thêm trên 9 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà.
Do áp dụng quy trình bảo đảm VSATTP nên chất lượng thóc, gạo bảo đảm. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm cho gia đình, các hộ nông dân có sản lượng dư thừa đã được DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 300 - 500 đồng/kg.
Ngoài ra, huyện còn xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa điển hình, như: Mô hình tích tụ ruộng đất liên kết giữa HTX Tiến Châu với công ty TNHH Toản Xuân, sản xuất - tiêu thụ lúa BT7 quy mô 40ha; mô hình liên kết giữa HTX Tường Mai A (Giao Nhân) với các xã Giao Long, Giao Hải… sản xuất - tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao.
Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (NTTS) của huyện Giao Thủy phát triển mạnh theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Toàn huyện có trên 200 trang trại chăn nuôi, NTTS và tổng hợp; tổng doanh thu của các trang trại ước đạt 361 tỷ đồng/năm.
Một trang trại tổng hợp ở xã Giao Hà, mỗi năm doanh thu đạt 2 tỷ đồng |
Phát huy tính tự chủ, sáng tạo
NTTS mặn, lợ của huyện phát triển mạnh, tăng nhanh cả về diện tích, sản lượng và chủng loại sản phẩm, tập trung đầu tư nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua, ngao, cá bống bớp, tôm thẻ chân trắng.
Huyện đã hình thành 3 vùng nuôi chính tập trung là vùng nuôi, ương ngao giống, quy mô trên 1.600ha, tập trung trên địa bàn các xã Giao Xuân, Giao Lạc, Giao An, Giao Thiện, Giao Hải, Giao Long và thị trấn Quất Lâm; vùng nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp quy mô 423ha ở các xã, thị trấn: Giao Thiện, Giao Phong, Bạch Long, Giao Yến, Giao Long, Quất Lâm; vùng nuôi kết hợp (tôm sú, cua rèm...) với hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, quy mô 1.742ha, tập trung trên địa bàn các xã Giao Thiện, Giao An.
Ở vùng chuyển đổi đã hình thành các trang trại, gia trại phát triển kinh tế tổng hợp VAC tập trung, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, một số hộ doanh thu đạt 75-100 triệu đồng/ha.
Toàn huyện phát triển được 90 trang trại, cơ sở sản xuất con giống thủy sản cùng với Trung tâm Giống thuỷ sản của tỉnh sản xuất giống tôm sú, ngao, hàu, tu hài, cua biển, cá bống bớp… đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi thủy sản của hơn 1.000 hộ trên địa bàn.
Việc phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM ở Giao Thủy không chỉ tạo ra những mô hình sản xuất hiệu quả, đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân, mà còn phát huy tính tự chủ, sáng tạo của người dân tương xứng với vai trò chủ thể của NTM.
Đến nay, 20/20 xã, thị trấn của Giao Thủy đã được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM.
Ngọc Ánh