Được thành lập từ tháng 7/2017 với các ngành nghề: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; sơ chế sản phẩm nông, lâm, thủy sản; kinh doanh vật tư nông nghiệp; duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, HTX Lập Thành đã thu hút 18 gia đình tham gia, đa số tuổi đời rất trẻ (8X, 9X).
Nhiều giải pháp thực hiện cụ thể
Anh Giang Văn Thực - sinh năm 1985, Chủ tịch HĐQT HTX, chia sẻ: “Trước đây, tôi nhận thấy người dân trong thôn sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm nông nghiệp làm ra không có thị trường ổn định. Có hộ trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn… mang ra chợ bán bị ép giá, nhiều khi còn phải mang về, nên tôi đã bàn với các hộ khác trong thôn thành lập HTX nông nghiệp để cùng nhau liên kết sản xuất”.
Với số vốn điều lệ 3,3 tỷ đồng, thời gian đầu, HTX hoạt động khá khó khăn. Trên thực tế, các thành viên góp vốn chủ yếu bằng tư liệu sản xuất và hiện vật, chứ không có tiền mặt (vì đa số thành viên trước đó đã vay vốn ngân hàng để SX-KD, nên việc huy động vốn trực tiếp hoặc tiếp tục vay ngân hàng gặp khó khăn).
Từng bước, HTX ổn định tổ chức, hoạt động đi vào nền nếp. Tổ trồng rau tập trung sản xuất các loại rau, củ, quả theo hướng sản phẩm an toàn. Tổ nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm, thủy cầm... tập trung phát triển chăn nuôi vịt, cá, lợn, dê... theo hướng sản xuất hàng hóa. Tổ bán hàng xây dựng cửa hàng bán các sản phẩm của HTX tại trung tâm huyện...
Để các tổ hoạt động hiệu quả, HTX đã xây dựng nhiều giải pháp thực hiện cụ thể cho từng tổ, như tìm nhà cung cấp cây, con giống, vật tư để ký hợp đồng; tìm kiếm khách hàng tiêu thụ sản phẩm; tìm hiểu kỹ thuật từ khâu làm đất, xử lý đất theo quy trình, lên luống, bón phân... đến trồng rau theo hướng thâm canh, áp dụng kỹ thuật chăm sóc hiện đại và quy trình sản xuất rau an toàn; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm...
Theo anh Giang Văn Thực, HTX luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu để tạo thương hiệu và giữ uy tín với khách hàng. Giá bán các sản phẩm cao hơn thị trường khoảng 10%, nhưng nhiều thời điểm, HTX không đủ sản phẩm để bán.
Hiện tại, tất cả sản phẩm sản xuất ra đều được bán thông qua cửa hàng đại diện của HTX tại trung tâm huyện Văn Bàn. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ 40 - 50 kg gà thịt, 150 kg thịt lợn đen, 1 con dê và hàng chục kg rau các loại... Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ngày cao điểm, HTX mổ 12 con lợn đen phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Anh Giang Hồng Xuyên, thành viên HTX chăm sóc đàn gà |
Mô hình kinh tế triển vọng
Nhờ tham gia HTX, đầu ra các sản phẩm nông nghiệp của các thành viên đã ổn định hơn. Anh Giang Hồng Xuyên (sinh năm 1992), thành viên ít tuổi nhất của HTX, cho biết: “Từ khi tham gia HTX, sản phẩm của gia đình tôi làm ra đến đâu bán hết đến đó, với giá cả ổn định. Hiện nay, gia đình tôi tham gia nuôi gà, số lượng đàn luôn được duy trì trên 500 con. Bây giờ, tôi chỉ lo thiếu vốn và nhân công để phát triển chăn nuôi…”.
Ông Lương Đình Thiêu - Phó Chủ tịch UBND xã Làng Giàng, nhận định: “HTX Lập Thành là một trong những mô hình phát triển kinh tế triển vọng tại địa phương, dù mới thành lập nhưng đã đạt những kết quả khá ấn tượng. Bước đầu, HTX đã giúp các thành viên tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp với giá ổn định”.
Bí thư Huyện đoàn Văn Bàn, chị Hoàng Thị Hằng, đánh giá: “Đây là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên xã Làng Giàng, tập trung được nhiều thanh niên tham gia phát triển kinh tế, là tấm gương để các đoàn viên khác làm theo. Huyện đoàn sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ các HTX, các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên trên địa bàn huyện, để thúc đẩy phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ở địa phương phát triển, trực tiếp đóng góp vào thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”.
Đức Phương