Người dân Tứ Liên hiện nay trồng cả quất cảnh lẫn quất chùm. Cây nào cây nấy đều xanh mướt, quả mọng to, cả quả vàng và cả quả xanh. Có những cây quất có thế đẹp có giá tiền triệu. Thời điểm này, tại vườn quất ở đây đã có vài chục khách đặt mua.
Cai thuốc cho quất
Theo chị Vũ Thị Nam, HTX nông nghiệp Liên Châu, để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay, Tứ Liên có 360 hộ nông dân trồng quất cảnh, hộ trồng nhiều nhất có 1.000 cây và đang bắt đầu chín. Theo dự kiến, năm nay khoảng 80% hộ nông dân ở Tứ Liên sẽ được mùa vì quất nở tương đối đều và đẹp. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên công tác chăm sóc quất không gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, người dân không dùng thuốc hãm hay thúc cây.
Nhiều cây quất ở Tứ Liên có giá tiền triệu |
Nếu như trước kia quất ở Tứ Liên chủ yếu là bán lẻ thì giờ đây đã làm việc tập trung với HTX Liên Châu. Gần như toàn bộ quất đều là bán buôn. Hàng năm cứ gần giáp Tết thương lái lại đổ về đây mua quất rất đông và nhộn nhịp.
Tuy nhiên, Tứ Liên cũng có thời kỳ gặp khó khăn do người dân sử dụng phân bón, thuốc hóa học để thúc, hãm, kích thích cây ra quả, giữ quả. Việc này diễn ra trong thời gian dài khiến đất bị bạc màu, mất dinh dưỡng nuôi cây, còn nông dân tiếp xúc thường xuyên cũng có nguy cơ mắc các bệnh.
Dù biết là xấu và hại nhưng bà con nông dân lại không thể ngừng sử dụng bởi các loại thuốc và phân bón hóa học có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo tiến độ phát triển của cây cũng như bảo vệ cây khỏi sâu bệnh. Đặc biệt quất Tứ Liên là quất cảnh nên dáng cây và chùm quả quyết định rất lớn đến giá trị của cây.
Vấn đề trên đã đặt ra là làm sao để vừa đảm bảo năng suất cho cây vừa không có tác động xấu tới người dân và môi trường? Từ thực tiễn trên, HTX Liên Châu đã vận động nhân dân, thành viên thay đổi thói quen sản xuất, chuyển hướng sang sử dụng một loại chế phẩm vi sinh.
Chế phẩm vi sinh được dùng để kết hợp với phân gia súc, gia cầm và nguồn thải hữu cơ khác, ủ trong thời gian nhất định nhằm xử lý được mùi hôi và thúc đẩy quá trình mùn hóa phân nhanh hơn. Người dân và các thành viên đã sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho quất, giúp tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất cây trồng.
Cách làm này đã giúp người dân hạn chế tối đa sử dụng chất hóa học trong canh tác. Người dân Tứ Liên cũng mong muốn, với cách làm này, cây quất sẽ được sử dụng lâu dài và đa dạng trong cuộc sống, không chỉ làm cảnh ngày Tết mà còn được sử dụng làm mứt hoặc thuốc.
Phát triển thương hiệu
Với mong muốn đưa sản phẩm địa phương vươn xa, thời gian qua, HTX Liên Châu đã cùng chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để các thành viên phát triển sản xuất như: vay vốn ưu đãi, thực hiện các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện…
Hàng năm, HTX Liên Châu liên kết chặt chẽ với địa phương tổ chức tuyên truyền tập huấn kỹ thuật cây trồng, tổ chức ra quân tổng vệ sinh đồng bãi, cải tạo sửa chữa hệ thống mương tưới tiêu …;tổ chức các ngày hội hoa cây cảnh để thành viên và người dân tham gia quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Với quy trình sản xuất khoa học, HTX đang triển khai kế hoạch gắn mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm quất cảnh. Theo đó, mọi thông tin sản phẩm như giống quất, tên hộ trồng, ngày thu hoạch, hướng dẫn bảo quản… đều được cập nhật, người dân có thể kiểm tra bằng điện thoại thông minh. Việc này không chỉ tiện lợi cho người dùng mà còn đơn giản hóa khâu quản lý của người dân, HTX.
Như Yến