Là một tỉnh thuần nông, có nhiều lao động. Điều quan trọng là cần phải biết tận dụng và khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, khơi dậy ý chí và khát vọng thoát nghèo của người dân.
Giúp hộ nghèo thoát nghèo
Để khơi dậy được ý chí của người dân phải xây dựng mô hình sinh kế cho họ. Và khi xây dựng được mô hình sinh kế ở địa bàn nông thôn, ngoài doanh nghiệp cần phải có mô hình HTX, tổ hợp tác để người dân không bị đơn độc trong hành trình sản xuất kinh doanh. Việc này cũng giúp mô hình sinh kết thêm lớn mạnh về chất và lượng, hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa đảm bảo có lãi, giúp người dân có thu nhập. Khi người dân có thu nhập, nhất là thu nhập cao thì sẽ dễ dàng thoát nghèo.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, một điều hiện nay là người dân trong tỉnh vẫn gặp khó khăn nhất là vấn đề đầu ra trong nông sản, thực phẩm nên thu nhập bấp bênh, khó có thế thoát nghèo. Do đó, nếu có sự tham gia của doanh nghiệp, HTX, đầu ra của người dân sẽ ổn định.
Để giải quyết bài toán này, Cà Mau đã quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề, tuyên truyền cho người dân về mô hình HTX, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa. Sau đó, tỉnh tận dụng nguồn cung lao động tại các địa phương để xây dựng các mô hình giảm nghèo ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Là một xã đặc biệt khó khăn, Quách Phẩm (huyện Ðầm Dơi) có tỷ lệ hộ nghèo cao, đông đồng bào dân tộc sinh sống. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỉnh đã hỗ trợ, định hướng người dân tham gia và phát triển các HTX, tổ hợp tác. Tiêu biểu như HTX Đại Phát đang hỗ trợ người dân phát triển nuôi tôm trên quy mô lớn. HTX hỗ trợ về kỹ thuật, đầu vào, đầu ra, từ đó giúp tăng lợi nhuận, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển nhằm tạo thu nhập ổn định cuộc sống cho thành viên và người lao động.
Đến nay, xã đã có 3 HTX, 7 tổ hợp tác được đánh giá là hoạt động hiệu quả, chú trọng chất lượng tôm và sò huyết nên sản phẩm làm ra được người tiêu dùng ưa chuộng và tạo được tiếng vang trên thị trường.
![]() |
Nuôi sò huyết theo hướng hàng hóa đang giúp nhiều hộ dân ở Cà Mau nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả. |
Đặc biệt, người dân trong xã đang rất tin tưởng mô hình nuôi trồng thủy sản theo HTX, tổ hợp tác. Cụ thể như tại ấp Bào Hầm, xã Quách Phẩm hiện tại đã có hơn 150/160 hộ dân áp dụng nuôi sò huyết thương phẩm và tham gia HTX, tổ hợp tác. Đa số các hộ nuôi đều ổn định sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Ông Trần Văn Sĩ (ấp Bào Hầm) cho biết gia đình ông áp dụng mô hình nuôi sò huyết mấy năm gần đây và hiệu quả kinh tế cao hơn các mô hình trước đây đã từng áp dụng. Năm 2022, trừ các chi phí, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng. Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục triển khai mô hình này và học hỏi, tìm hiểu thêm nhiều phương pháp để cải tiến kỹ thuật nuôi đạt năng suất cao hơn.
Theo thống kể của tỉnh, từ 2028 đến 2022, Cà Mau đã xây dựng được 2.290 mô kinh tế và nhân rộng trong 5 năm qua. Trong đó có 120 mô hình về phát triển kinh tế, 58 mô hình về giảm nghèo, 10 mô hình về xây dựng tổ hợp tác, HTX.
Tỉnh cũng vận động Quỹ ‘‘Vì người nghèo’’ để sử dụng vào việc xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, nhà ở, khoan giếng nước…, thực hiện các chương trình hỗ trợ khác cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Giảm ít nhất 0,8% tỷ lệ hộ nghèo
Qua quá trình thực hiện, tổng kết, đánh giá của tỉnh và từ cơ quan trung ương sau khi thực tế các mô hình giảm nghèo ở Cà Mau cho thấy, đa số các mô hình được nhân rộng sản xuất đều có hiệu quả và được người dân đồng thuận cao.
Để nhân rộng các mô hình sản xuất, trước hết tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn chọn lựa thật kỹ các mô hình. Trên tinh thần mô hình sản xuất có hiệu quả cần phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn vốn đầu tư, từ đó mới có thể đánh giá về kết quả mà mô hình đó mang lại. Các mô hình cần phải tận dụng được lao động nhàn rỗi tại chỗ, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội của địa phương.
Ngoài sự giúp đỡ của Nhà nước, tỉnh cũng hạ quyết tâm bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh sẽ tập trung xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả qua từng năm.
Việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả đã góp phần rất lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau. Qua đó đã giúp nông dân định hướng sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật mới ngày càng hiệu quả hơn góp phần tăng thu nhập, giảm thiểu những rủi ro.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả với việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến. Hoạt động phát triển hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng đã được mở rộng, đặc biệt là ngành hàng tôm và lúa. Đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm; bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được khởi sắc.
Theo thống kê từ Sở LĐTB&XH Cà Mau, trong nửa đầu năm 2023, tỉnh có 4.399 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ vay vốn làm kinh tế. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều (cả hộ nghèo và cận nghèo) của tỉnh giảm xuống còn 4,27%, trong đó hộ nghèo chiếm 2,41%. Dự kiến đến cuối năm 2023, theo kế hoạch, Cà Mau sẽ tiếp tục giảm thêm được ít nhất 0,8% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều và hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Giải quyết bài toán thiếu tư liệu sản xuất
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong thời gian qua, Cà Mau cũng gặp không ít khó khăn. Đó là việc đầu tư dự án, mô hình phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người nghèo, lao động vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa hợp lý. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận hộ nghèo vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Một số địa phương, tuy tỷ lệ hộ nghèo đã giảm những vẫn còn ở mức cao. Cụ thể như tại xã Quách Phẩm, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 159 hộ và 94 hộ cận nghèo.
Nguyên nhân là do là địa phương giáp biển nên nhiều hộ không có đất canh tác, thiếu tư liệu sản xuất. Ðây cũng là bài toán hết sức khó tại nhiều xã mà tỉnh Cà Mau đang tìm hướng để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Để phần nào tháo gỡ khó khăn này cho người dân, Cà Mau định hướng sẽ tiếp tục đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật sản xuất cho những người không có đất, hỗ trợ những hộ này phát triển các nghề về lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Đi liền với đó, huyện cũng sẽ hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động, nhất là đối với người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có tư liệu sản xuất, từ đó góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, đảm bảo tính bền vững, lâu dài.
Tùng Lâm