Tận dụng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng , huyện Sa Thầy đã định hướng nhân dân đẩy mạnh trồng một số loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, tiến tới hình thành vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập.
Thu nhập hàng trăm triệu đồng
Đặc biệt, huyện tạo mọi điều kiện hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi một phần diện tích từ đất rẫy, vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả.
Trước chủ trương của huyện, HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Thái Thanh (xã Rờ Kơi) đã đầu tư trồng bưởi da xanh, bơ, sầu riêng. Điều đặc biệt là vùng đất dưới chân đồi Sạc Ly, nơi HTX canh tác từng một thời bị bom đạn trong chiến tranh cày xới, chỉ có cỏ tranh và le, nứa phát triển.
Tuy nhiên, với tâm nguyện phát triển kinh tế địa phương, các thành viên HTX Thái Thanh đã đưa các giống cây ăn quả về trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX cũng tiến hành liên kết tìm đầu ra, thúc đẩy nâng cao thu nhập cho người dân. Từ những hộ nghèo, đến nay phần lớn thành viên và hộ liên kết sản xuất trong HTX đã thoát nghèo nhờ trồng cây ăn quả.
Tại HTX Đoàn Kết (xã Mô Rai) cũng đang tập trung phát triển các loại cây ăn quả, bao gồm cam, bưởi, quýt, ổi, na Thái, sầu riêng, dưa lê, dưa lưới... Để rộng đầu ra, HTX áp dụng quy trình sản xuất khoa học, chặt chẽ từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc đều theo tiêu chuẩn an toàn, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Nhật Bản, HTX cũng đầu tư hệ thống nước tưới phun tưới tự động... Đến nay, trái cây của HTX đều tiêu thụ khá thuận lợi ở trên địa bàn và một số tỉnh thành lân cận.
Đánh giá chung từ thực tế sản xuất của các HTX cho thấy, trồng cây ăn quả phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Sa Thầy. Nếu như trồng cao su, sắn… hiệu quả không cao, kinh tế gia đình nhiều hộ rất bấp bênh thì khi chuyển sang đầu tư cây ăn quả và đặc biệt là liên kết sản xuất theo mô hình HTX, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chẳng hạn như khoảng 600 gốc chanh dây, mỗi vụ có thể giúp người dân thu được hơn 30 tấn, mang lại doanh thu hơn 450 triệu đồng. Còn đối với sầu riêng mới cho thu hoạch hoặc trồng xen cũng có thể mang về cho người trồng ít nhất 200-300 triệu đồng/ha.
Hỗ trợ đắc lực giảm nghèo
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa giúp nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững. Là huyện miền núi biên giới, với hơn 57% là người dân tộc thiểu số, Sa Thầy được xem là huyện khó khăn của tỉnh Kon Tum. Nhưng nhờ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi từ diện tích trồng sắn, cao su không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, mỗi năm, huyện Sa Thầy đã giảm trung bình 6% tỷ lệ hộ nghèo.
Đặc biệt trong năm 2022, toàn huyện có 1.011 hộ thoát nghèo, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,16% (kế hoạch đề ra giảm khoảng 6%). Số hộ nghèo cuối năm còn 1.882 hộ/14.352 hộ, chiếm tỷ lệ 13,11% trong tổng số hộ.
Trồng cây ăn quả đang giúp nhiều hộ dân nâng thu nhập, giảm nghèo hiệu quả. |
Trong đó, có 957 hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo, vượt 1,31% so với chỉ tiêu giao (12,14% so với kế hoạch 10,83%); số hộ nghèo dân tộc thiểu số đến cuối năm 2022 giảm còn 1.748 hộ/8.014 hộ, chiếm tỷ lệ 21,81% tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn huyện.
Số hộ thoát cận nghèo năm 2022 của huyện cũng khá cao, là 518 hộ, tương ứng 3,67%, vượt 1,42% so với kế hoạch giao (2,25%); số hộ cận nghèo cuối năm giảm còn 1.138 hộ/14.352 hộ, chiếm tỷ lệ 7,93% tổng số hộ trên địa bàn.
Với tình hình đầu ra của các loại cây ăn quả khá thuận lợi cùng việc người dân chú trọng sản xuất theo quy trình khoa học, huyện Sa Thầy tự tin đến cuối năm 2023 sẽ giảm được thêm ít nhất 6% số hộ nghèo nữa, tương đương 878 hộ/1.882 hộ, hạ số hộ nghèo cuối năm còn 1.036 hộ/14.684 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,06% tổng số hộ toàn huyện.
Trong đó, huyện sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số 10,33%, tương ứng với 828 hộ thoát nghèo; số hộ nghèo dân tộc thiểu số cuối năm giảm còn 944 hộ/8.171 hộ dân, chiếm tỷ lệ 11,55% tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Bí thư Huyện ủy Sa Thầy Nguyễn Minh Tuấn cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được huyện xây dựng thành đề án cụ thể. Đây chính là cơ sở để cơ quan quản lý và người dân, HTX tại địa phương bám sát và triển khai thực hiện.
Qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Sa Thầy đã có 1.333 ha cây ăn quả. Sản xuất hiệu quả và mang lại nguồn thu cao trong trồng cây ăn quả đã tạo sự lan tỏa trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đồng hành cùng người dân, HTX
Để phát triển cây ăn quả hiệu quả, đóng góp tích cực vào quá trình giảm nghèo, huyện đã tích cực hỗ trợ người dân, HTX về ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ cây giống, định hướng tìm cây ăn quả phù hợp…
Đặc biệt, phát triển sản xuất cây ăn quả trên quy mô lớn đồng nghĩa với việc cần nguồn vốn lớn. Chính vì vậy, huyện Sa Thầy tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư giảm nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… cho hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với từng xã. Huyện cũng tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, góp phần tăng thu thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Tiêu biểu như HTX Thái Thanh, ngoài sự năng động của các thành viên, HTX còn được địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện trong xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ, tìm đầu ra… Điều này không chỉ tạo điều kiện cho HTX phát triển theo hướng bền vững mà còn khẳng định hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể trong nâng cao thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Bí thư Huyện ủy Sa Thầy Nguyễn Minh Tuấn cho rằng kinh tế tập thể, HTX tiếp tục khẳng định được vai trò, sự cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của huyện. Cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong huyện xác định rõ nhiệm vụ xây dựng phát triển HTX kiểu mới, đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp là hết sức cần thiết và quan trọng. Khi HTX kiểu mới phát triển sẽ đóng góp trực tiếp về phát triển kinh tế, giảm nghèo và góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn huyện.
Chính vì vậy, ngoài các nguồn lực của Nhà nước về xây dựng các mô hình HTX, huyện còn vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ cho huyện để triển khai các mô hình phát triển kinh tế tập thể cho người dân.
Nhờ đó, ý thức của người dân, cơ quan quản lý về mô hình HTX đã được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Minh Nhương