Huyện Phú Lương có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp không ít khó khăn, như chưa có thị trường đầu ra ổn định; giá cả lên xuống bấp bênh; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ...
Thay đổi tư duy canh tác
Khắc phục những khó khăn này, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX, đặc biệt là các HTX chăn nuôi phát triển. Nhờ những chính sách phù hợp và sự giúp đỡ kịp thời từ phía chính quyền, nhiều HTX đã thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị liên kết, mang lại hiệu quả cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
![]() |
Huyện Phú Lương có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi. |
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương (xóm Ao Sen, xã Động Đạt) là một trong những đơn vị tiêu biểu cho việc chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Dù mới chỉ thành lập từ 3/2020 nhưng mô hình nuôi chim bồ câu của HTX đã được đông đảo người dân tham gia với 30 thành viên.
Theo giám đốc HTX Hoàng Anh Tuấn, sau khi tham gia HTX, các thành viên đã tự học và cùng chia sẻ kinh nghiệp với nhau, nhờ đó mọi người đã nắm rõ kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp. Anh Tuấn đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho mọi người và hiện việc tiêu thụ rất thuận lợi.
“Chúng tôi kiên trì sản xuất sạch để được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, về lâu dài sẽ xây dựng lò mổ, làm thương hiệu để nâng cao giá trị và chủ động hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm”, anh Tuấn cho hay.
Trong khi đó, HTX Chăn nuôi động vật bản địa ở xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh đã được thành lập năm 2016. Nhờ sự kết nối từ phía Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, HTX đã xây dựng thành công chuỗi giá trị liên kết, chủ động về giống vật nuôi, nguồi thức ăn cho tới đầu ra cho sản phẩm. Hiện, HTX đang nuôi khoảng 60 con ngựa bạch, 300 con lợn rừng, 100 con hươu sao và trên 100 con dê.
“Chăn nuôi đại gia súc có lợi thế là chúng chủ yếu ăn cỏ, tốn ít chi phí, dễ chăm sóc mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Vừa cung cấp con giống vừa nuôi thương phẩm, mỗi năm HTX có doanh thu trên 600 triệu đồng”, ôngTrần Đình Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên thông tin, nếu như trước đây, bà con chăn nuôi chủ yếu làm sức kéo thì nay đa phần để bán thịt và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Trung bình 1 con bê, sau 2 năm nuôi thương phẩm, bà con bán được với giá trên 30 triệu đồng. Nếu mỗi hộ nuôi trung bình 5 con, sau 2 năm cũng có thu nhập 150 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống.
Hỗ trợ tăng cơ hội thoát nghèo
Nhận thức được tầm quan trọng đa lợi ích từ mô hình chăn nuôi gia súc, ban lãnh đạo huyện đã xác định đây chính là “đòn bẩy” trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Theo đó, hàng năm huyện đều có cơ chế khuyến khích bà con sử dụng giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, đưa ra nhiều dự án hỗ trợ con giống cho người dân.
Chẳng hạn, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phối hợp cùng Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup và UBND huyện Phú Lương đã xây dựng mô hình hợp tác liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
Dự án do Quỹ Thiện tâm tài trợ và cho vay con giống để HTX và hộ nông dân khó khăn cùng chăn nuôi, phát triển kinh tế. Theo đó, Quỹ Thiện tâm tài trợ cho HTX nông nghiệp công nghệ cao Phú Lương (thị trấn Đu, Phú Lương) 25 con bò giống và cho vay 25 con bò giống với tổng trị giá 1 tỷ đồng.
HTX sẽ chuẩn bị đủ các điều kiện về hạ tầng, kinh phí hoạt động và nguồn lực khác để chăn nuôi, quản lý con giống, tạo việc làm cho người dân bằng hình thức ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng liên kết với các hộ khó khăn để cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho HTX, hỗ trợ các hộ khó khăn được tham gia dự án để có thu nhập và các lợi ích khác từ 3 năm trở lên.
Được biết, trong năm 2023, huyện đã thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, triển khai 3 mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí từ ngân sách là trên 3 tỷ đồng, hỗ trợ 74 hộ. Theo đó, các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê ở xã Yên Đổ, Động Đạt, Yên Trạch, Phủ Lý, Ôn Lương đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ có cơ sở thoát nghèo bền vững.
Giảm 317 hộ nghèo so với đầu năm
Cùng với việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế, để người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo có việc làm ổn định, thu nhập bền vững, thời gian qua, huyện Phú Lương đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên các lao động ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo. Riêng năm 2023, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức được 7 phiên giao dịch việc cho trên 1.500 người tham dự; phối hợp tổ chức 35 lớp đào tạo nghề sơ cấp, thường xuyên cho 1.144 lao động (vượt 43% kế hoạch năm), trong đó có 190 hộ nghèo, cận nghèo.
Qua các lớp đào tạo nghề đã có trên 80% số lao động có việc làm hoặc làm nghề cũ nhưng năng suất cao hơn, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Trong năm, 1.737 lao động, trong đó có 81 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn được các ngành chức năng giới thiệu, tư vấn và có việc làm ổn định (tăng 8,6% so với kế hoạch).
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, triển khai các mô hình phát triển kinh tế hỗ trợ người nghèo, huyện Phú Lương đã triển khai tích cực các chính sách giúp người nghèo. Theo số liệu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, huyện đã hỗ trợ cho 123 gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới nhà ở (vượt trên 207% kế hoạch năm), với tổng số kinh phí trên 7,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cùng với gần 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và 520 triệu đồng từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, huyện Phú Lương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa và huy động được trên 4,6 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Hiện nay, 100% hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, trên 96% được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Theo kết quả rà soát cuối năm 2023 của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 736 hộ, chiếm 2,86%, giảm 317 hộ so với đầu năm (vượt 0,36% kế hoạch tỉnh giao, vượt 0,65% kế hoạch huyện đề ra); toàn huyện giảm 209 hộ cận nghèo, hiện còn 790 hộ, bằng 2,88%.
Nhật Nam