Tân Kỳ có diện tích đất nông nghiệp trên 27.000 ha, chuyên sản xuất mía, ngô, lúa, cỏ, lạc, sắn… tạo nên nhiều lợi thế cho phát triển chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò... Đặc biệt, địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại.
Chăn nuôi quy mô lớn
Những lợi thế về tự nhiên cùng sự đồng hành của địa phương đang tạo động lực cho lĩnh vực chăn nuôi phát triển. Đến nay, trên địa bàn huyện bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trang trại chăn nuôi ngày càng phát triển.
Đặc biệt, nhiều giống bò mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Giống bò vàng địa phương dần được thay thế bằng các giống bò ngoại, “được lòng” thị trường hơn như bò lai Sind, bò Úc, bò Thái… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mô hình chăn nuôi bò ở Tân Kỳ đang cho giá trị kinh tế cao nhờ phát triển theo hướng trang trại (Ảnh TL). |
HTX nông nghiệp Lèn Vòi, xã Tân Phú đang là một trong những điển hình thành công với mô hình chăn nuôi bò VietGAP, cho hiệu quả toàn diện về kinh tế và môi trường sinh thái.
Ông Nguyễn Hữu Hường, Giám đốc HTX chia sẻ, HTX được thành lập từ năm 2018, nhờ áp dụng chăn nuôi bò vỗ béo bằng giống bò nhập ngoại, nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các hộ chăn nuôi bò vàng địa phương trước đây.
Đáng chú ý, do sản xuất sạch, thân thiện môi trường, sản phẩm bò thịt của HTX đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP, tạo điều kiện để HTX ký kết các hợp đồng liên kết chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Theo ông Hường, để có được thành công hiện tại, ngay từ những ngày đầu thành lập HTX, các thành viên đã phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nói không với các loại hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng độc hại. Đồng thời, ưu tiên các loại thức ăn hữu cơ, thân thiện môi trường, được chế biến từ cỏ voi, ngô, lúa sạch…
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi cũng được HTX hoàn thiện với khu chăn nuôi hiện đại, được trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết như hệ thống điện thắp sáng, quạt thông gió, máng ăn, vòi uống nước…
Khu xử lý chất thải chăn nuôi của HTX được xây theo tiêu chuẩn mới, tách biệt với khu chăn nuôi, được xử lý vi sinh đúng kỹ thuật, không gây mùi hôi thối, ảnh hưởng môi trường sinh thái. Phần lớn chất thải được ủ thành phân chuồng phục vụ trồng trọt.
Nâng tầm thương hiệu
Bên cạnh HTX Lèn Vòi, huyện Tân Kỳ còn có 2 HTX điểm trong chăn nuôi bò VietGAP, thân thiện môi trường là HTX chăn nuôi Nghĩa Thái (xã Nghĩa Thái) và HTX chăn nuôi Nghĩa Đồng (xã Nghĩa Đồng).
Huyện sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP, chủ động xây dựng thương hiệu thịt bò sạch Tân Kỳ (Ảnh TL). |
Các HTX chăn nuôi trên địa bàn huyện đang thu hút hàng chục hộ thành viên, đóng vai trò quan trọng trong quá trình liên kết, phát triển chăn nuôi bò VietGAP theo hướng hàng hóa tại địa phương.
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ cho biết, sự thành lập của các HTX, tổ hợp tác đang giúp các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng thu nhập, với lợi nhuận bình quân hiện đạt 70 - 90 triệu đồng/năm với quy mô hộ gia đình, 150 - 300 triệu đồng/năm với quy mô trang trại.
Việc triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò theo quy trình VietGAP trên địa bàn huyện đang bước đầu hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, theo hướng hàng hóa, sạch, đảm bảo môi trường.
Trong thời gian tới, để nâng cao giá trị sản xuất, huyện Tân Kỳ dự kiến quy hoạch lại một số vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, nâng cao vai trò dẫn dắt, liên kết sản xuất lớn của các HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, thu hút kêu gọi đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung tại các xã.
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong việc cải tạo, lai tạo giống bò chất lượng cao, phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường, hướng tới xây dựng thương hiệu thịt bò VietGAP Tân Kỳ.
Nhật Minh