Giám đốc HTX cá đặc sản Thái Hòa, ông Phan Thanh Bình cho hay, HTX được thành lập từ năm 2016, hiện có 12 thành viên, tất cả đều phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô, với tổng quy mô 63 lồng, nuôi hai loại cá chủ lực, chất lượng cao, đang được thị trường ưa chuộng là cá chiên và cá bỗng.
Nâng cao kỹ thuật
Theo ông Phan Thanh Bình, trước đây, cá chiên giống chỉ có trong tự nhiên, các hộ sản xuất phải tìm mua lại từ những người đánh cá, dẫn đến chi phí đầu vào rất cao, tỷ lệ thất thoát lớn, cỡ cá giống không đồng đều.
HTX đang phát triển ổn định nhờ trình độ kỹ thuật cao. (Ảnh TL). |
Năm 2016, Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang nghiên cứu và nhân giống thành công cá chiên. Tuy nhiên, cỡ cá chiên giống này quá nhỏ, chưa thích nghi môi trường nuôi lồng đại trà trên sông. Cá chiên là loài chỉ thích nghi với nơi nước đảm bảo độ sạch, có hàm lượng ô xy cao, có dòng chảy xiết.
Trong bối cảnh đó, HTX cá đặc sản Thái Hòa đã chủ động thiết kế các lồng nuôi ươm cá giống có mắt lưới nhỏ, lắp thêm máy bơm để cá không lọt thoát ra ngoài, vừa đảm bảo đủ lưu tốc dòng chảy, vừa tăng lượng ô xy đảm bảo môi trường sống lý tưởng cho cá thích nghi.
Năm 2020, HTX còn nghiên cứu và sản xuất thành công lồng nuôi cá bằng ống nhựa có nhiều ưu điểm so với lồng sắt là độ bền cao, ít phải bảo dưỡng, nhẹ, dễ dàng di chuyển, giảm tối đa độ sát thương cho cá, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, không chỉ chủ động thay đổi thiết kế lồng nuôi, các thành viên HTX cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn do cơ quan chức năng tổ chức để nâng cao trình độ, nắm bắt khoa học – kỹ thuật mới.
Với những kinh nghiệm thực tiễn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đến nay, HTX đã xây dựng được khu nuôi ươm cá chất lượng cao, nhờ đó giúp các thành viên chủ động nguồn con giống chất lượng, giá thành hợp lý.
Hiệu quả gia tăng
Cùng với quá trình hoàn thiện kỹ thuật, HTX cá đặc sản Thái Hòa còn đặc biệt quan tâm tới yếu tố môi trường sinh thái. Ngay từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, HTX đã tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các thành viên.
HTX đang tạo ra lợi ích kép cả về kinh tế và môi trường (Ảnh TL). |
Theo đó, các hộ chăn nuôi được khuyến khích giữ khoảng cách các lồng xa nhau tối đa là 500 m, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do chất thải chăn nuôi cá gây ra.
Trong quá trình chăm sóc, cá bị chết sẽ được vớt lên bờ và chôn lấp theo đúng quy định của ngành nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng ném, vứt cá chết ra mặt sông, hồ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
“Công tác bảo vệ môi trường nước luôn được HTX quan tâm hàng đầu, bởi trong nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính người sản xuất. Hiện, HTX đang chủ động hình thành chuỗi liên kết, phát triển thủy sản theo hướng VietGAP để đảm bảo giá trị bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Giám đốc HTX Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Nhờ công nghệ hiện đại, chú trọng bảo vệ môi trường, HTX đang liên tục có những bước phát triển bền vững. HTX đã làm tốt khâu dịch vụ con giống, thức ăn giúp giảm chi phí cho sản xuất giảm 10-15%, giá đầu ra lại đảm bảo ổn định mang lại hiệu quả gấp 2-3 lần so với các hộ tự nuôi riêng lẻ.
Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm trừ chi phí mỗi hộ nuôi cá của HTX lãi từ 100 đến 350 triệu đồng. Tháng 5/2020, HTX được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cá chiên đặc sản Thái Hòa” giúp khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm.
Thời gian tới, HTX dự kiến sẽ nuôi thêm cá trình hoa (loài cá đặc sản có nhiều ưu thế, giá trị kinh tế cao) đón đầu nguồn lợi khi Thủy điện Sông Lô 8B hoàn thành khiến mặt nước sông dâng cao.
HTX cũng sẽ thúc đẩy liên kết với các HTX, doanh nghiệp cùng ngành nghề nhằm đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường. Hướng tới đẩy mạnh khâu chế biến, hình thành các sản phẩm có nhãn hiệu đặc trưng, thế mạnh, chinh phục người tiêu dùng trong nước và hướng đến thị trường ngoài nước.
Nhật Minh