Trước đây, nông dân thường đốt đồng sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nhưng nếu biết tận dụng, thì đây lại là nguồn nguyên liệu rất có giá trị. Ở Sóc Trăng, nguồn rơm rạ này rất hữu ích. Sau khi gặt lúa, nông dân thu gom rơm rạ hoặc thuê máy cuốn rơm cuốn lại để bán. Nguồn rơm này được các hộ nuôi bò thu mua, ủ yếm khí với ure làm thức ăn cho bò sữa, góp phần rất lớn trong việc giải quyết thức ăn cho gia súc trong mùa khô cũng như hạn chế tác động không tốt đến môi trường.
Hạn chế ảnh hưởng môi trường
Trên cánh đồng rộng lớn HTX Nông nghiệp Hưng Lợi (ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú) đã thu hoạch lúa xong, từng cọng rơm do máy gặt đập “nhả ra” thu lại thành cuộn tròn chất đầy dưới ruộng lúa. Ông Trương Văn Hùng - Giám đốc HTX cho biết: “Khoảng 3 năm trở lại đây, rơm sau thu hoạch lúa được bà con nông dân trong và ngoài HTX thu gom lại dùng trồng màu hay cho gia súc ăn, còn với một số hộ khác sẽ bán rơm luôn trên ruộng, người mua trả tiền chủ ruộng xong thì thuê máy cuộn rơm".
Thu gom rơm sẽ hạn chế tối đa việc đốt đồng, gây ảnh hưởng môi trường |
Mỗi công rơm, chủ ruộng bán giá dao động 40.000 đồng - 50.000 đồng, vào thời điểm hút hàng, 1 công rơm nông dân có thể bán giá 70.000 đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng với người có diện tích đất nhiều cũng thu về tiền triệu. Kèm theo đó, việc bán rơm cọng sẽ hạn chế tối đa việc đốt đồng, gây ảnh hưởng môi trường sống xung quanh.
"Nhận thấy tiềm năng từ cọng rơm đem lại khá tốt nên trong mùa vụ tới, HTX sẽ vận động thành viên đóng góp tiền mua máy cuộn rơm nhằm tăng thêm nguồn thu, góp phần giúp HTX hoạt động mạnh hơn với đa dạng các dịch vụ kinh doanh” - ông Hùng nói.
Cùng cách làm với HTX Hưng Lợi, anh Nguyễn Văn Đậm (ấp Thành Tân, xã Kế Thành, huyện Kế Sách) có 70 công đất lúa sản xuất 3 vụ/năm, ngoài lợi nhuận từ tiền bán lúa tươi thì việc bán rơm cọng 3 năm qua cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình anh. Bởi mỗi công rơm, anh bán với giá từ 50.000 đồng - 60.000 đồng/vụ.
Anh Đậm cho biết: “Thông qua việc bán rơm cọng, tôi thấy việc làm đất chuẩn bị cho vụ gieo sạ mới tốt hơn, nhất là trong các tháng mùa mưa, không thể thu gom rơm hết bằng tay được". Chiếc máy cuộn rơm sẽ giúp việc cuộn rơm nhanh chóng và sạch hơn nên việc cày xới đất rất thuận tiện, ruộng sạch rơm, không còn tốn công lao động đi nhặt nhạnh rơm cho sạch để xuống giống như trước kia.
Đặc biệt, cách làm này đã giúp không còn cảnh đốt rơm vào mùa nắng nóng, làm tăng nguy cơ cháy lan sang các ruộng lân cận chưa thu hoạch lúa, thậm chí gây nguy hiểm cho các nhà dân ở gần ruộng lúa, kèm theo đó là khói bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường nước, không khí… ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Lợi nhuận kép
Còn đối với người dân huyện Mỹ Tú, nguồn rơm trên ruộng lúa sau thu hoạch thường được dùng để làm nấm và đậy các loại rau màu, ít khi các hộ bán rơm đi. Người dân chỉ bán thay vì rơm đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường để lấy tiền dùng cho các việc khác khi cần.
Nông dân tận dụng rơm để giữ ẩm cho các loại rau màu |
Ông Mai Văn Thật (ấp Thiện Thánh, xã Thuận Hưng) cho biết: “Nhờ tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch mà gia đình tôi phát triển thêm nghề trồng nấm rơm. Trồng nấm rơm tuy có cực nhưng cho lãi khá cao”.
Hiện, gia đình ông Thật trồng khoảng 1.400 chai meo giống và đã cho thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch nấm, ông lãi gần 30 triệu đồng. Nấm rơm có thể trồng quanh năm vì thế, để có nhiều rơm dùng trồng nấm, ông Thật phải mua thêm rơm từ đồng ruộng của bà con xung quanh. Nhờ những cọng rơm, cây nấm mà cuộc sống gia đình ông rất ổn định. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông bán được 70kg nấm, thương lái đến tận nhà thu mua với giá 42.000 đồng/kg.
Có thể thấy, cọng rơm đem lại lợi nhuận kép cho cả người bán lẫn người mua, người mua dùng cho việc sản xuất, chăn nuôi, người bán có số tiền nhất định. Hơn thế, việc cuốn rơm hạn chế tối đa việc đốt đồng như trước đây, bảo vệ môi trường và giúp lúa gieo sạ không bị ngộ độc phèn trong các tháng mùa mưa.
Thu Huyền