Bằng sự năng động, sáng tạo và tích cực tìm tòi học hỏi, tập thể cán bộ, thành viên HTX Đỗ Động đã họp bàn tìm ra hướng đi trong sản xuất, kinh doanh để mang lại nguồn doanh thu cho HTX. Sản xuất nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường là bước đi vững chắc mà HTX đã thực hiện trong nhiều năm qua.
Nói không với thuốc BVTV
Cách đây vài chục năm, HTX ban đầu không thuyết phục được người dân vì cách làm khác so với cách sản xuất của những ruộng lúa xung quanh. Năng suất lúa có khả năng thấp hơn, thậm chí sẽ mất trắng nếu áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật.
“Nhưng sau khi họp bàn và thống nhất, mục đích của HTX là phải tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, bảo vệ môi trường sống bởi nếu chúng ta không tự bảo vệ mình thì sẽ chẳng có ai bảo vệ mình”- Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đỗ Động, anh Lê Khắc Long, cho biết.
Bằng sự kiên nhẫn, HTX đã tổ chức cho các thành viên tham gia nhiều lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp như: quản lý dịch hại tổng hợp IPM, mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, cấy lúa cải tiến, xuống đồng đồng loạt né rầy… từ đó được áp dụng vào sản xuất trên đồng ruộng.
Hiện tại, năng suất lúa dao động 6 – 6,5 tấn/ha, bằng hoặc thấp hơn năng suất sản xuất truyền thống không nhiều. Đổi lại, chi phí đầu tư chỉ dao động 800.000 – 1000.000 đồng/sào, thấp hơn 1/2 so với sản xuất truyền thống.
Từ hiệu quả thiết thực, nhiều nông dân đã tìm đến HTX học hỏi phương pháp sản xuất tiên tiến. Đến nay, có 449 hộ nông dân, với tổng diện tích hơn 400 ha đất chuyên trồng lúa trên địa bàn xã đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong quá trình sản xuất.
Đây là bước đột phá, thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm của HTX và những nông dân Đỗ Động trong suốt hơn 10 năm qua.
Giờ đây, việc “nói không” với thuốc trừ sâu đã trở thành thói quen trong ý thức sản xuất của HTX và phần lớn người dân ở đây.
Không những vậy, nhiều năm qua, việc triển khai sản xuất nông nghiệp bền vững trên diện tích lớn tại HTX đã chứng minh giá trị kinh tế thiết thực, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Quy trình này giúp người nông dân nâng cao ý thức trong sản xuất, đem lại lợi ích cho chính mình và những người xung quanh.
Từ đó, không chỉ hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các bao bì đựng thuốc BVTV mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Giá thành sản phẩm từ đó luôn cao hơn so với lúa gạo sản xuất truyền thống.
Sản xuất nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường là bước đi vững chắc mà HTX đã thực hiện trong nhiều năm qua |
Duy trì môi trường sinh thái
Nhờ sản xuất bền vững, môi trường sinh thái ở Đỗ Động được duy trì, tao sự cân bằng sinh thái đồng ruộng.
Các loại thiên địch (sinh vật có lợi) vẫn có môi trường sống an toàn, mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất, giúp người nông dân không phải sử dụng thuốc BVTV khi chưa cần thiết.
Thông qua các buổi tập huấn của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, giờ đây, các thành viên và người dân Đỗ Động đã hiểu về IPM, SRI, hiểu tác hại của thuốc BVTV, hiểu được ý nghĩa của thiên địch.
Không gì tốt hơn là chính người địa phương chỉ dạy kiến thức và kỹ thuật cho nhau. Hơn nữa, sự liên kết chặt chẽ giữa HTX, chính quyền địa phương và các ban ngành đã tạo cầu nối để HTX có điều kiện áp dụng kĩ thuật tiên tiến trong sản xuất.
Điều khó khăn hiện nay là tuy HTX đã liên kết được đầu ra với một vài doanh nghiệp nhưng vì cơ chế hỗ trợ chưa đủ mạnh, nên chưa hình thành được chuỗi sản xuất hàng hóa thực sự, việc giải quyết đầu ra chưa thực hiện bằng các hợp đồng cụ thể nên sức lan tỏa còn hạn chế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường đang ảnh hưởng nặng nề từ việc lạm dụng thuốc BVTV như hiện nay, việc HTX Đỗ Động “nói không” với thuốc trừ sâu, thuốc BVTV là việc làm có sức lan tỏa lớn; mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: góp phần tạo ra nông sản sạch, giảm chi phí, giảm công lao động, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Như Yến