Mô hình bể chứa rác thải đồng ruộng tại HTX Nông nghiệp Đoàn Kết (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) triển khai trong thời gian qua đã phần nào giải quyết được lượng rác thải nguy hại này.
HTX Đoàn Kết đang thực hiện sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn (CĐL) một giống. Bên cạnh những hiệu quả về năng suất lúa đạt trên 8 tấn/ha, HTX còn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức khỏe con người.
Bể chứa rác trên đồng ruộng
Trước tình trạng lượng rác thải từ việc sử dụng các loại thuốc BVTV ngày càng tăng, HTX Đoàn Kết đã trích quỹ phát triển sản xuất đầu tư xây dựng 5 bể chứa và xử lý rác thải. Mỗi bể có dung tích 1,5m3, được xây bằng gạch, đáy đổ bê tông cốt thép, đặt ở những điểm thuận tiện tại cánh đồng.
Khi đi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, người dân đem các vỏ chai lọ, vỏ bao đựng thuốc bỏ vào bể rác, không vứt ngay trên bờ ruộng, bờ kênh như trước đây. Những bể rác này khi đầy sẽ được HTX xử lý bằng hình thức đốt.
Từ cách làm này, lượng rác thải bao bì, vỏ chai đựng thuốc BVTV trên đồng ruộng đã giảm khoảng 50-70%. Ông Lại Trung Truyền, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, cho biết: “Xây dựng các bể rác trên đồng ruộng thực sự đem lại hiệu quả, tạo thói quen, ý thức đối với bà con nông dân trong việc thu gom các loại vỏ bao bì, chai lọ độc hại”.
Những bể rác đồng ruộng đã mang lại hiệu quả trong việc thu gom các loại rác thải độc hại từ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng các bể rác không quá tốn kém, lại đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân làm việc trực tiếp tại đồng ruộng.
Ông Trần Văn Dầu (thôn Thanh Liêm, xã Ayun Hạ) cho biết trước đây, ông từng dẫm phải mảnh sành từ chai thuốc bảo vệ thực vật do chính gia đình mình vứt bừa bãi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tiền bạc. Từ ngày có các bể rác, ông đã thực hiện để rác đúng nơi quy định. Chai lọ và vỏ bao thuốc trừ sâu không còn ở bờ ruộng hay kênh mương nữa.
Bể rác giảm ô nhiễm môi trường đồng ruộng
Khó khăn ban đầu
Từ khi các bể gom rác thải được xây dựng, cánh đồng ở xã Ayun Hạ đã trở nên sạch đẹp hơn, các kênh mương đã có sự xuất hiện trở lại của các loại sinh vật, cá, tôm…
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn những hạn chế làm giảm tác dụng của những bể rác này. Một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức và thiếu trách nhiệm trong việc thu gom các loại vỏ bao bì, chai, lọ sau khi phun thuốc BVTV, nên lượng rác thải này vẫn còn trên một số bờ ruộng, bờ kênh mương. Nhiều gia đình đã tận dụng bể rác này để vứt rác thải sinh hoạt, gây khó khăn cho việc vận chuyển và tiêu hủy.
Cùng với đó, HTX đã xây dựng các bể chứa rác nhưng đang xử lý bằng cách đưa đi đốt. Đây mới chỉ là những biện pháp trước mắt, bởi các loại rác này rất khó phân hủy, nếu không có biện pháp xử lý triệt để vẫn có thể dẫn đến ô nhiễm về lâu dài với môi trường xung quanh.
“Để làm việc hiệu quả đòi hỏi nguồn kinh phí tương đối lớn. HTX đang xin UBND hỗ trợ kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường để hợp đồng với công ty Công trình đô thị huyện Phú Thiện. Theo đó, rác sẽ được đơn vị này đưa xe chuyên dụng đến đưa vào nhà máy xử lý rác thải. Đây có thể coi là biện pháp xử lý hiệu quả, triệt để đối với lượng rác thải độc hại thu gom trên đồng ruộng”, Giám đốc HTX Lại Trung Truyền cho biết.
Để phát huy hiệu quả của mô hình bể rác đồng ruộng, HTX cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức đối với người nông dân về trách nhiệm thu gom các loại vỏ bao bì, chai, lọ đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng vào thùng rác đồng ruộng, qua đó giúp đảm bảo môi trường nông nghiệp nông thôn và bảo vệ sức khỏe người nông dân.
Như Yến