Với 5 sào đất, gia đình ông Vũ Anh Tám (xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch) chuyên trồng rau màu cung cấp cho thị trường. Ông cũng bỏ dần thói quen sử dụng thuốc hóa học trong canh tác, thay vào đó là các chế phẩm sinh học hữu cơ, vừa thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe lại vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của khách hàng.
HTX có vai trò dẫn dắt
“Được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình tôi và một số hộ dân ở đây đều sản xuất theo hướng an toàn. Nhờ đó, rau có thể cung cấp cho thị trường lại vừa phục phục được nhu cầu sử dụng của gia đình”, ông Tám cho biết.
Không chỉ các hộ gia đình mà ngay các HTX cũng đang thực hiện sản xuất theo hướng thân thiện môi trường nhằm xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Theo bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc HTX rau an toàn Vân Hội Xanh (xã Vân Hội, huyện Tam Dương), HTX đang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi trồng trọt - sơ chế - tiêu thụ. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón của các thành viên sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Mọi hoạt động trên đồng ruộng tuân thủ quy trình VietGAP, đảm bảo hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, từ đó có thể cung cấp rau an toàn với chất lượng tốt.
HTX rau an toàn Vân Hội Xanh là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. |
Trước mắt, thị trường tiêu thụ của HTX là các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội; sau đó sẽ hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan.
Không lựa chọn trồng rau màu, các thành viên HTX chăn nuôi Hồ Sơn (xã Hồ Sơn, Tam Đảo) lựa chọn thỏ làm vật nuôi chính để phát triển kinh tế.
Áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGAP, thành viên HTX luôn chú trọng bảo đảm các yếu tố vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Dưới đáy của mỗi lồng có thể lót dải bao để hứng phân, không để rơi vãi xuống đất. HTX còn tận dụng được phân thỏ ủ hoai mục để bón cho cỏ voi và chuối làm thức ăn cho thỏ.
Mỗi một chuồng nuôi có trang bị một máng đựng thức ăn tinh và vòi uống nước tự động. Hàng ngày, thành viên phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại nhằm tạo độ thông thoáng, sạch sẽ giúp thỏ sinh trưởng và phát triển tốt.
Trong quá trình vệ sinh chuồng trại, thành viên cũng vệ sinh luôn máng ăn, máng uống, không để thức ăn thô trực tiếp xuống đáy lồng. Các loại thức ăn phải sạch sẽ, không bị ôi, mốc hay bị biến chất bảo đảm chế độ dinh dưỡng và số lượng thức ăn theo nhu cầu của từng thời kỳ.
Nhờ sản xuất sạch, xung quanh khu vực sản xuất của HTX hạn chế được mùi hôi, khai của phân thỏ. Đàn thỏ được sống trong môi trường thông thoáng nên bảo đảm chất lượng.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Nippon Zoki để xuất khẩu thỏ sang Nhật Bản. Nhờ vậy, mặc dù thị trường ở các quán ăn, nhà hàng thời điểm này không ổn định do dịch Covid-19, nhưng đầu ra sản phẩm của các thành viên HTX cơ bản vẫn được đảm bảo.
Xu thế tất yếu
Có thể thấy, việc người dân, HTX áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hay chú trọng các biện pháp khoa học kỹ tiến tiến vừa giúp bảo vệ môi trường vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Lỗ Bá Đào, Giám đốc HTX cây trồng Sông Lô Xanh (xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô) cho biết, đến nay, HTX đã có 12 thành viên tham gia trồng ổi VietGAP trên diện tích 10 ha.
Với sản lượng đạt khoảng 200 tấn, giá bán cao hơn 20% so với sản xuất thông thường, trung bình mỗi hộ thành viên thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/vụ.
Trồng ổi VietGAP giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. |
Ông Đào cho rằng với địa hình đất nông nghiệp nửa đất đồi, nửa đất bãi như ở đây, đất rất dễ bị thoái hóa, rửa trôi. Tuy nhiên, khi áp dụng quy trình VietGAP, các thành viên đã biết cách cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho đất cũng như giữ cỏ để bảo vệ đất. Đặc biệt, sản xuất áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM đã giúp HTX hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật.
Hiệu quả từ mô hình sản xuất ổi mang lại giúp bà con nhiệt tình ủng hộ HTX vì đây là mô hình sản xuất sạch, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo ra sản phẩm phục vụ chính cuộc sống của người dân, phù hợp với yêu cầu thị trường.
Theo các HTX, khi muốn cung cấp sản phẩm vào các siêu thị, hay cho các doanh nghiệp, buộc sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, phải đạt chứng nhận cụ thể. Sản phẩm khi kiểm tra không bảo đảm chất lượng, mẫu mã, bao bì cũng sẽ bị loại.
Bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc HTX rau an toàn Vân Hội Xanh cho biết, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều rất khắt khe và quan tâm các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường trong sản phẩm hàng hóa, nông sản. Đây là xu thế tất yếu của phát triển bền vững nên buộc người dân, HTX phải tuân thủ nếu muốn có đầu ra ổn định.
Xác định được điều này, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết nông sản, cũng là cách để hướng tới sản xuất xanh. Theo đó, việc đầu tiên người dân, HTX cần làm là áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, chuẩn an toàn như phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, VietGAP, hữu cơ..., hạn chế tối đa lượng phân, thuốc hóa học có hại cho môi trường.
Cùng với đó, sản phẩm để có mặt trên thị trường phải đảm bảo các tiêu chí an toàn với sức khỏe người tiêu dùng như không tồn dư hàm lượng thuốc trừ sâu, không lẫn tạp chất… Đây chính là xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Theo các ngành chức năng, sản xuất xanh, chú trọng bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt các nguồn tài nguyên...
Tại Vĩnh Phúc, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ, đến nay, ý thức của người dân, HTX về sản xuất xanh cũng được nâng cao. Hiện, toàn tỉnh có hơn 10.000 ha trồng rau, cho sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm, trong đó sản lượng rau an toàn và rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP chiếm khoảng 35%.
Tùng Lâm