Việc chuyển từ rừng trồng kinh tế ngắn ngày sang rừng gỗ lớn dài ngày ở HTX An Thiên là giải pháp nhằm nâng cao giá trị rừng trồng và thu nhập cho người dân, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường cũng như phát triển bền vững…
Hợp tác giúp tăng nguồn thu 10-20%
Vốn sống dựa chủ yếu vào rừng trồng, nhưng người dân và các chủ rừng ở xã Phú Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) luôn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh cả về đầu vào lẫn đầu ra, có lúc 500 đồng/cây, lúc tăng lên 1.500-2.000 đồng/cây, thậm chí đến mùa trồng rừng lại không có cây giống.
HTX lâm nghiệp bền vững An Thiên liên kết theo chuỗi trồng rừng gỗ lớn xuất khẩu. |
Trước đây, trong khâu đầu ra, người dân lệ thuộc vào vài chủ lậu, giá thị trường 1 ha gỗ rừng trồng khoảng 100 triệu đồng nhưng họ chỉ trả 60-70 triệu đồng, không có ai mua, người dân vẫn phải "bấm bụng" để bán.
Đó chính là những lý do để 22 thành viên, gồm các hộ dân và chủ rừng đã tập hợp lại, thành lập HTX lâm nghiệp bền vững An Thiên do ông Võ Vĩnh Hải làm Giám đốc.
Ông Hải kể lại, trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng rừng theo tự phát, mạnh ai nấy làm, chính vì thế khi vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, khi trồng rừng theo tiêu chuẩn, người trồng rừng phải thực hiện các quy trình nghiêm ngặt từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch.
“Nhưng vượt qua được khó khăn ấy, trồng rừng theo FSC sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về kinh tế và môi trường. Hiệu quả thu được có thể tăng 10-20% do rừng khai thác là rừng gỗ lớn. Điều quan trọng hơn, tham gia FSC, sức khỏe của người trồng rừng được bảo vệ, môi trường không bị tổn thương, gỗ có nguồn gốc xuất xứ, mở rộng thị trường gỗ xuất khẩu”, ông Hải nhấn mạnh.
Để rừng được cấp chứng chỉ FSC, HTX tuân thủ vệ sinh rừng sạch sẽ, tuyệt đối không vứt rác thải nhựa vào rừng. Trong quá trình chăm sóc, nếu phát hiện những cây bản địa có giá trị thì giữ lại để chăm sóc.
Ngoài ra, HTX còn được hướng dẫn lập kế hoạch quản lý lô rừng của mình từ việc trồng và khai thác theo từng năm phù hợp; kiểm tra, giám sát rừng để tránh tác động xấu từ thiên tai gây thiệt hại.
Hiện, HTX đang triển khai mô hình chuyển hóa rừng gỗ lớn, cắt tỉa thưa bớt rừng keo trồng 4-5 năm, khi đó, mỗi cây khai thác giá trị sẽ tăng gấp 10 lần, từ 60.000 đồng/cây tăng lên 600.000 đồng/cây.
Theo ông Hải, mô hình chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn sau quá trình tỉa thưa, nuôi dưỡng năng suất ngang bằng so với năng suất 2 chu kỳ trồng rừng 160-170m3/ha. Nhưng giá trị thương mại và giá trị gia tăng gỗ lớn, cao hơn, giảm chi phí đầu tư trồng lại rừng.
Không chấp nhận giá bán rẻ 60.000 đồng/cây, ông Trần Văn Vũ - thành viên của HTX An Thiên đã tỉa bớt số cây trong rừng keo, để chuyển hóa thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.
Từ hơn 5ha rừng keo trồng được 4 năm với mật độ 1.600 cây/ha, ông Vũ đã cắt tỉa bớt 800 cây/ha, thu được khoảng 40 tấn nguyên liệu. Với nguồn thu từ bán nguyên liệu gỗ cắt tỉa, ông đã hoàn đủ chi phí thuê nhân công cắt tỉa.
Sau một thời gian thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn, thu nhập của gia đình ông Vũ cao hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ trước kia, tuy rằng thời gian trồng rừng gỗ lớn dài hơn.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị các cấp, ngành có nhiều chính sách, đặc biệt là về vốn và giống cây trồng sao cho phù hợp điều kiện trồng rừng của bà con, các doanh nghiệp có kế hoạch thu mua sản phẩm để bà con yên tâm trồng rừng gỗ lớn.
Khi chuyển hóa rừng gỗ lớn, ông Vũ phải chịu chi phí mua giống, trồng lại rừng... với mức 15 triệu đồng/ha, nhưng lại thu được lợi rất lớn. Từ mô hình làm điểm của gia đình ông Vũ, nhiều thành viên trong HTX lâm nghiệp bền vững An Thiên đã đến học tập và làm theo.
Tham gia HTX, các thành viên không chỉ được cung cấp giống keo tốt, cách trồng và vật tư đầu vào mà còn liên kết, hợp tác với các đơn vị chế biến để đảm bảo đầu ra tiêu thụ gỗ cho các thành viên. Trước hiệu quả đem lại bước đầu, đã có nhiều hộ dân trong vùng có đơn xin tham gia để trở thành thành viên của HTX.
Tiên phong làm rừng có chứng chỉ
Từ khi có chứng chỉ FSC, rừng của các thành viên HTX An Thiên đã có nhiều công ty, doanh nghiệp chế biến gỗ đến đặt mua với giá cao hơn giá thị trường cùng nhiều chế độ ưu đãi khác.
Chú trọng nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp là một trong những giải pháp nhân rộng mô hình rừng của HTX. |
Đối với trồng rừng gỗ lớn, để đảm bảo hiệu quả kinh tế HTX khuyến khích các hộ trồng thưa, để sau này có gỗ lớn và kết hợp trồng cây ngắn ngày để tăng giá trị sử dụng trên một đơn vị diện tích. Với trồng rừng phục vụ xuất khẩu, cần có chứng chỉ rừng trồng, đồng thời phải đủ 4 tiêu chí xanh, sạch, thông minh và nhân văn...
Đến nay, toàn HTX có 743,05 ha rừng trồng keo đã đăng ký tham gia lợi ích của chứng chỉ rừng FSC với mục đích kinh doanh gỗ nhỏ kết hợp gỗ lớn.
Tuy nhiên để nhân rộng mô hình chuyển hóa rừng, HTX rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng các chính sách đi kèm như bảo hiểm rừng trồng, hỗ trợ tín dụng...
Đồng thời, HTX tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu, nhu cầu của thị trường đồ gỗ xuất khẩu. Qua đó, vận động mở rộng quy mô FSC, phấn đấu năm 2021, tối thiểu mở rộng quy mô rừng tăng lên từ 1.000 – 2.000ha.
Đến nay, huyện Lệ Thủy có diện tích đất trồng rừng gần 43.000 ha từng bước phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện cải thiện sinh kế cho người dân sinh sống tại vùng đệm thông qua xây dựng HTX lâm nghiệp bền vững gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC của Dự án “Bảo vệ đa dạng sinh học và phát huy các dịch vụ sinh thái của Rừng phòng hộ Động Châu – Khe Nước Trong” tại huyện Lệ Thủy đã đạt được nhiều kết quả tốt.
Chứng chỉ FSC không chỉ giúp phát triển kinh tế rừng bền vững mà còn được xem như “hộ chiếu” để gỗ rừng trồng của bà con xuất khẩu đi nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rừng gỗ lớn đúng kế hoạch. Đồng thời, tăng cường liên kết với các nhà sản xuất để bao tiêu sản phẩm rừng gỗ lớn cho người dân, thành lập thêm HTX lâm nghiệp bền vững để hướng tới được cấp chứng chỉ trồng rừng bền vững FSC, tạo điều kiện cho gỗ rừng trồng xuất khẩu đi các nước”.
Mai Ngọc