Chia sẻ về lý do là một 9x nhưng lại lựa chọn làm kinh tế tại quê hương, anh Tòng Văn Hưng, cho biết quê nhà có con sông Đà rộng lớn, quanh năm nước trong xanh. Vài năm trở lại đây, cư dân sinh sống ven sông đã chuyển từ làm nương rẫy sang nuôi cá lồng trên mặt hồ, có thu nhập khá. Đặc biệt, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện theo mô hình HTX đang được địa phương khuyến khích để nâng cao thu nhập đi đôi với phát triển tài nguyên, thiên nhiên bền vững nên anh thấy đây chính là cơ hội của mình.
Vượt khó vươn lên
Năm 2016, anh Hưng đã vận động 19 hộ trong bản tham gia nuôi cá lồng và thành lập HTX Thủy sản Chiềng Khoang. Lúc này, HTX có 50 lồng cá, mỗi lồng rộng 6m2 và nuôi tập trung các loại: cá trắm, cá nheo, cá lăng, mè hoa.
Để có kinh nghiệm truyền đạt cho các thành viên, trước đó, anh Hưng phải tự đi tham quan các mô hình nuôi cá lồng ở những địa phương lân cận. Anh cũng thường xuyên cập nhật những kiến thức kỹ thuật thông qua internet, sách, báo, các tài liệu khoa học hay tham gia các lớp tập huấn về thủy sản do huyện, tỉnh tổ chức để bảo đảm quy trình nuôi cá.
Để có đủ thức ăn cho cá, anh và thành viên trồng thêm cỏ voi, cây chuối, sắn trên đất nương. Cỏ, lá chuối cho cá trắm, còn sắn và cây chuối thái nhỏ cho các loại cá khác. Hiện nay, tất cả đàn cá đều nuôi bằng thức ăn lấy từ tự nhiên, hoàn toàn không dùng thức ăn công nghiệp nên thịt cá săn chắc, thơm ngon được rất nhiều khách hàng đến đặt mua.
Anh Tòng Văn Hưng đã dẫn dắt HTX thủy sản Chiềng Khoang phát triển dựa trên tiềm năng thế mạnh của địa phương. |
Sau 4 năm hoạt động hiệu quả, anh Hưng cùng các hộ thành viên đã có 120 lồng cá các loại như: Chép, trắm đen, rô phi đơn tính... Bình quân thu hoạch từ 100 đến 120 kg/lồng/năm, doanh thu hàng năm của HTX đạt hơn 800 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên để nuôi cá thành công không phải chuyện dễ dàng. Giám đốc Tòng Văn Hưng và các thành viên từng phải đối mặt với nhiều rủi ro và khó khăn khác.
Theo anh Hưng, vùng thượng nguồn sông Đà rất thích hợp với các điều kiện để nuôi cá lồng bè nhưng vốn đầu tư cho mô hình này không hề nhỏ, có khi lên đến cả tỷ đồng. Chính vì vậy, ban đầu muốn thu hút thành viên, anh phải đưa ra những cam kết như hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra cho thành viên. Khi tham gia HTX, thành viên có điều kiện vay một số nguồn vốn ưu đãi nên thuận lợi hơn cho phát triển sản xuất đơn lẻ.
Đặc biệt, nghề nuôi cá có nhiều rủi ro tiềm ẩn. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Hưng từng có lúc phải trắng tay vì nuôi cá. Vì lúc đầu, anh chưa nắm vững kỹ thuật và mức nước lên xuống nên đã xảy ra cảnh cá chết vì sặc bùn.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng đầu tư bài bản, áp dụng quy trình nuôi cá an toàn, nắm bắt thời tiết nên anh Hưng đã cùng các thành viên vượt qua được những khó khăn và trở thành một trong những mô hình nuôi thủy sản tiêu biểu ở Sơn La.
Khẳng định niềm tin vào HTX
Mặc dù rất bận rộn với công việc của HTX và công việc sản xuất của gia đình nhưng anh Hưng luôn dành thời gian để hướng dẫn, giúp đỡ cho các thành viên, các hộ dân về quy trình kỹ thuật nuôi cá lồng an toàn, cách vận chuyển cá đúng kỹ thuật, cách sử dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng…
Bên cạnh đó, anh Hưng còn giúp nhiều đoàn viên thanh niên trong bản vốn đầu tư, con giống để phát triển sản xuất. Anh Lò Văn Thành, bản Hán B chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi là một hộ nghèo trong bản, được anh Hưng giúp đỡ làm lồng, hỗ trợ con giống, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, gia đình tôi đã bắt tay vào nuôi cá lồng, từ đó kinh tế gia đình khấm khá hơn".
Không chỉ anh Thành mà nhiều đoàn viên, thanh niên trong bản, bất kể ai có khó khăn, cần giúp đỡ anh Hưng đều không nề hà giúp đỡ cũng như chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh... Nhờ vậy, nhiều hộ đoàn viên trong chi đoàn đã có đời sống khấm khá hơn.
Nhiều đoàn viên thanh niên thành công trong nuôi cá lồng nhờ sự hỗ trợ của HTX Chiềng Khoang nói chung và của anh Tòng Văn Hưng nói riêng. |
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Hưng chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, kết nạp thêm thành viên tham gia HTX, tăng số lượng lồng cá lên 140 lồng, tập trung vào các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá Lăng, cá Tầm... HTX cũng mong muốn các cấp, các ngành có những cơ chế chính sách hỗ trợ để ổn định đầu ra cho sản phẩm”.
Năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, HTX Thủy sản Chiềng Khoang vinh dự được công nhận danh hiệu HTX sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Giám đốc Tòng Văn Hưng cũng được Huyện Đoàn Quỳnh Nhai trao chứng nhận danh hiệu “Thanh tiên tiến làm theo lời Bác” cùng với nhiều hình thức khen thưởng của các cấp về thành tích trong sản xuất, kinh doanh tiêu biểu lĩnh vực nông nghiệp.
Với tinh thần "dám nghĩ, dám làm" và ý chí vươn lên của tuổi trẻ, Giám đốc Tòng Văn Hưng xứng đáng là tấm gương cho những đoàn viên khác học tập, noi theo. Đặc biệt, thông qua HTX Chiềng Khoang do anh Hưng dẫn dắt, người dân thêm tin tưởng vào mô hình kinh tế tập thể vì giúp phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tùng Lâm