Cây cam đang có tiềm năng phát triển rất lớn tại Hưng Yên |
Chú trọng sản xuất an toàn
Cây cam bén rễ trên địa bàn xã Quảng Châu (Tp.Hưng Yên) từ nhiều năm và đang đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường vượt trội. Toàn xã đang có 150 hộ dân trồng cam với tổng diện tích gần 180 ha. Cùng với nhãn lồng, cam là cây chủ lực mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phan Văn Toan – Chủ tịch UBND xã Quảng Châu, chia sẻ: “Được chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2017, xã luôn chú trọng phát triển các mô hình theo hướng sạch và an toàn. Hiện, xã đã phát triển thành công trên 50 ha cam theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ tuyệt đối các quy định về vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường”.
Để phát triển mô hình trồng cam theo hướng sạch và an toàn, HTX sản xuất và tiêu thụ cam Quảng Châu được thành lập, trên cơ sở thống nhất của 45 thành viên là những hộ trồng cam tiêu biểu của xã.
Ngay từ khi thành lập, HTX đã hướng dẫn các thành viên làm theo đúng tiêu chuẩn, ghi chép đầy đủ nhật ký từ lúc sử dụng thuốc BVTV đến thu hoạch theo quy trình VietGAP. Trong đó, HTX sử dụng 100% thuốc BVTV sinh học.
“Sử dụng loại thuốc gì, định kỳ bao nhiêu ngày mới cho thu hái được đều được ghi chép tỉ mỉ. Và quan trọng nhất là trước thu hoạch, HTX tiến hành cách ly đúng theo hướng dẫn. Tất cả nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả, mang lại sản phẩm sạch cho người tiêu dùng”, ông Toan nhấn mạnh.
Tương tự, xã Tam Đa (huyện Phù Cừ) hiện đã quy hoạch vùng trồng cam rộng 51 ha, trong đó trên 20 ha cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Nhờ sản xuất sạch, năm 2019, các thành viên của HTX nông nghiệp Ngũ Phúc được Nhà nước hỗ trợ 60 nghìn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam…
“Lối đi để chiếm lĩnh thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay được địa phương xác định là sản xuất cam theo hướng hữu cơ, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm”, anh Trần Văn Bính, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngũ Phúc, cho hay.
Các mô hình trồng cam sẽ được chú trọng khoa học - kỹ thuật để đảm bảo sự phát triển bền vững |
Đẩy mạnh liên kết
Xã Đồng Thanh (huyện Kim Động) cũng đang gặt hái nhiều thành công với mô hình trồng cam theo hướng VietGAP gắn với chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao vệ sinh thực phẩm. Cam Đồng Thanh đã được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2018.
Những năm gần đây, HTX sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh đã tập hợp được các hộ sản xuất cam có kinh nghiệm, đồng thời khởi xướng, nhân rộng và duy trì việc sản xuất cam theo quy trình VietGAP. Đến mùa cam năm 2019, xã đã có 30 ha cam được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Nhận thấy tiềm năng lớn về kinh tế và môi trường từ cây cam VietGAP, tỉnh Hưng Yên đang tích cực mở rộng vùng trồng cam theo hướng sạch, đẩy mạnh tập huấn nhằm đổi tư duy, nâng cao trình độ và cách thức tổ chức sản xuất của nông dân, từ đó hình thành các vùng sản xuất cam hàng hóa theo chuỗi giá trị, đảm bảo hiệu quả bền vững.
Đặc biệt, nhiều HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong tỉnh đã được cấp chứng nhận VietGAP trên diện tích gần 100ha như HTX sản xuất và tiêu thụ cam Quảng Châu, HTX sản xuất rau quả dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh, HTX dịch vụ thương mại nông sản hữu cơ Hồng Tiến, HTX nông nghiệp Đức Vinh, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển TTM Farm…
Nhật Minh