Tiên Yên đang chú trọng phát triển mô hình cây dược liệu |
Mở rộng quy mô
Mô hình trồng dược liệu được Tiên Yên triển khai thí điểm vào năm 2015, với 4 loại cây chủ lực gồm dây thìa canh, diệp hạ châu đắng, cà gai leo và giảo cổ lam. Vùng trồng dược liệu được triển khai trồng trên tổng diện tích 11.000m2, với các tiêu chuẩn cao về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ và môi trường.
Sau nhiều tháng thử nghiệm, ngoại trừ giảo cổ lam, 3 loại dược liệu khác đều cho thất hiệu quả rất tích cực, giá trị cao hơn trồng lúa truyền thống từ 2 - 8 lần. Trong đó, cây cà gai leo và dây thìa canh cho doanh thu bình quân 210 – 230 triệu đồng/ha/năm.
Với những thành công ban đầu, năm 2017, mô hình trồng dược liệu trên địa bàn huyện được nhân rộng lên trên 35.000 m2, gấp hơn 3 lần năm 2015. Hầu hết các mô hình đều chủ động áp dụng khoa học – kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, nhằm giảm công lao động, đảm bảo ATLĐ trong quá trình sản xuất.
Gặt hái nhiều thành công từ mô hình trồng dược liệu, anh Bùi Văn Tuấn (xã Yên Than) chia sẻ: “Cây dược liệu đã và đang mở hướng đi mới, giúp người dân các xã ở Tiên Yên giảm bớt khó khăn. Không chỉ mang lại thu nhập gấp 4 - 5 lần so với cây ngô, trồng dược liệu theo hướng an toàn còn mang lại lợi ích lớn về ATLĐ, môi trường”.
“Đơn cử, trong quá trình trồng, nhiều hộ đã triển khai mô hình phủ nilon, vừa tiết kiệm công lao động, vừa hạn chế việc việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó giảm thiểu yếu tố gây hại cho sức khỏe người sản xuất. Hay trong quá trình sử dụng máy móc, các hộ đều được tập huấn cách vận hành, quy định về ATLĐ, nhằm đảm bảo tính an toàn, hiệu quả khi canh tác”, anh Tuấn lấy ví dụ.
Tiên Yên sẽ chú trọng kết nối mở rộng thị trường cho cây dược liệu |
Khơi thông thị trường
Sau gần 5 triển khai với những hiệu quả tích cực, huyện Tiên Yên đã chính thức triển khai dự án tổng thể phát triển cây dược liệu với những nghiên cứu chuyên sâu về dược tính cũng như đánh giá hiệu quả của các cây đã có.
Năm 2019, huyện tiếp tục đưa 5 loại dược liệu mới vào trồng thử nghiệm là ba kích, cát sâm, địa hoàng, hà thủ ô đỏ và kim ngân. Thời gian tới, huyện sẽ đánh giá chất lượng, hiệu quả cũng như đưa ra quy trình sản xuất chuẩn từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ... đối với 5 loại dược liệu mới này.
Đang có sự phát triển tốt về mặt quy mô, chất lượng sản phẩm, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ vẫn là bài toán cần giải của huyện nhằm mở ra con đường phát triển bền vững cho người dân địa phương.
Để kết nối sản xuất, hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, đầu năm 2018, huyện Tiên Yên đã trích ngân sách gần 1 tỷ đồng hỗ trợ HTX Dược liệu Yên Than đầu tư nhà kính sấy sản phẩm, lưu trữ sản phẩm trong thời gian dài hơn.
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển mô hình sản xuất cây dược liệu với nhiều điểm mới. Trong đó, trên cơ sở diện tích trồng cây dược liệu thực tế đang có, huyện đi sâu vào khâu chế biến sản phẩm; kết nối tiêu thụ sản phẩm; trích ngân sách huyện để nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá dược tính, giá trị của sản phẩm; áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào mô hình sản xuất dược liệu.
Đại diện UBND huyện Tiên Yên cho biết trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô các mô hình trồng dược liệu, huyện sẽ chủ động áp dụng quy trình sản xuất an toàn, ATLĐ, ứng dụng khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Mộc Miên