Ông Nguyễn Văn Nguyên – Tổ trưởng THT mận roi Phong Hòa, cho biết ngay từ khi thành lập, THT đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp mở nhiều khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực, bổ sung các kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Từ những buổi tập huấn cùng chuyên gia trồng trọt, các thành viên của THT Phong Hòa nắm vững các kiến thức về phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường, tiến hành phát triển mô hình trồng mận roi bao lưới thay cho phương thức sản xuất truyền thống.
Bao lưới là hình thức canh tác mới, các nhà vườn tiến hành phủ lưới cước lên toàn bộ diện tích trồng cây. Chi phí cho nhân công và lưới cước khá cao, dao động từ 5 - 7 triệu đồng/công (1.000m2), thời gian sử dụng trong vòng 2 – 3 năm.
Thành viên THT Phong Hòa thu về 40 - 50 triệu đồng/công từ trồng mận roi bao lưới |
Ông Nguyễn Bé Năm – Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Lai Vung, cho hay: “Mô hình mận roi bao lưới là một sáng kiến đem lại hiệu quả vượt bậc, giảm thiểu dịch bệnh, đảm bảo quá trình sinh trưởng tốt của cây, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản xuất, đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất”.
Phương thức sản xuất tiến bộ, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng tầm, THT nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp thực phẩm uy tín. Kể từ giữa năm 2015, toàn bộ sản phẩm THT mận roi xã Phong Hòa được Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup) bao tiêu với giá cao hơn thị trường 20 – 25%.
Bình quân mỗi ngày, THT xuất bán 1 – 1,5 tấn quả cho Công ty VinEco, với mức giá ổn định 14.000 – 16.000 đồng/kg (giá thị trường khoảng 7.000 đồng/kg). Bà con thường xuyên được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay trong quá trình sản xuất”.
Với mức giá ổn định, năng suất cao, bình quân người trồng mận roi thu về 40 – 50 triệu đồng/công (cao hơn nhiều lần so với hình thức cũ, khoảng 15 – 20 triệu đồng).
Ông Lê Hồng Du – thành viên THT Phong Hòa, chia sẻ: “Bước chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang sản xuất sạch, chú trọng chất lượng, môi trường giúp người trồng mận roi đổi đời. Không chỉ tạo ra giá trị cao về kinh tế, mà còn mang lại những chuyển biến lớn về tư duy sản xuất”.
“Trước đây, người dân lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, giá trị sản xuất thấp. Dưới sự dẫn dắt của THT, “bài toán” ô nhiễm môi trường được hóa giải, hiệu quả sản xuất được nâng lên, đời sống của người trồng mận roi không ngừng được cải thiện”, ông Du nhấn mạnh.
Văn Nguyễn