Nuôi gà an toàn sinh học giúp tăng giá trị kinh tế, giảm tác động đến môi trường |
Mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại HTX chăn nuôi gà an toàn sinh học Nhân Hòa (thị trấn Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) với 10 thành viên tham gia nhằm phát triển số lượng gà nuôi mỗi tháng từ 8 - 10 nghìn con theo mô hình an toàn sinh học. Sau hơn một năm triển khai, mô hình sản xuất của HTX đã mang lại những kết quả tích cực.
Giảm ô nhiễm môi trường
Chị Hoàng Thị Bé, thành viên HTX, cho biết với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia HTX và thực hiện nuôi gà bằng đệm lót sinh học. Đệm lót sinh học được làm từ trấu, mùn cưa trộn cùng men vi sinh với độ dày 20-25cm, đảm bảo sạch sẽ cho gà sinh trưởng và phát triển...
Trong quá trình nuôi, các thành viên tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như: cám, ngô, thóc, sắn, rau xanh… kết hợp với cám công nghiệp cho gà ăn thành các bữa nhỏ. Nước cũng được thay thường xuyên nên chỉ sau 4 tháng, gà đạt trọng lượng 1,8-2,2kg/con, với giá xuất bán từ 55 - 60 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi gia đình thu lợi nhuận 15 - 20 nghìn đồng/con.
Nuôi gà theo hình thức thông thường, ngoài việc phải thay trấu thường xuyên để tránh tình trạng gây ô nhiễm, thời gian nuôi kéo dài từ 5-6 tháng. Còn dùng đệm lót sinh học, phân gà sẽ tự phân hủy, không có mùi hôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh có hại, phân giải được một phần chất độn chuồng, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi và đàn gà ít bị dịch bệnh hơn.
Ngoài ra, HTX còn tận dụng được nguồn phân gà và lớp đệm lót sinh học, sau đó ủ hoai ít nhất 3 tháng dùng bón cho cây trồng hoặc bán cho những đơn vị có nhu cầu.
Ông Phạm Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết đây là mô hình dễ ứng dụng, phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại khá tốt cho người chăn nuôi.
Trong sản xuất, cán bộ kĩ thuật của huyện thường xuyên có mặt hỗ trợ, đồng thời kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện theo đúng quy trình kĩ thuật và bảo dưỡng đệm lót theo đúng quy định. Nhờ đó, các hộ thành viên nhanh chóng nắm bắt được quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học và áp dụng hiệu quả.
Xây dựng thương hiệu
Trước đây, hầu hết các hộ thành viên đều là hộ thuần nông, chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày nên thu nhập không cao. Việc tham gia mô hình HTX nuôi gà an toàn sinh học không những trang bị kiến thức chăn nuôi mà còn giúp các thành viên có nguồn thu nhập ổn định.
Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như mùn cưa, trấu, thân cây ngô, rau xanh, ngô, sắn… để phục phụ chăn nuôi giúp HTX giảm chi phí đầu tư, giảm công sức, gà ít mắc dịch bệnh, lại đảm bảo sức khỏe môi trường sống.
Hiện, HTX rất quan tâm đến vấn đề khử trùng chuồng trại để hạn chế dịch bệnh. Trước và sau khi xuất chuồng , HTX đều phun sát trùng chuồng trại theo quy định. Chuồng trại cũng được các thành viên xây mới hoặc cải tạo nhằm bảo đảm thoáng mát vào mùa hè, kín ấm vào mùa đông. Chuồng đều được bố trí gần vườn rộng để thả gà nhằm giúp gà dễ tiêu hóa, tăng độ săn chắc.
Đặc biệt gà được sử dụng tinh dầu tỏi trộn vào thức ăn hoặc nước uống nhằm tăng sức đề kháng, hạn chế dùng thuốc kháng sinh. Gà trước khi xuất bán đều được kiểm tra, đảm bảo không tồn dư kháng sinh, không mang mầm bệnh.
Hiện, HTX đang đẩy mạnh việc tạo dựng thương hiệu riêng, từng bước đưa sản phẩm vào bếp ăn tập thể của các công ty, trường học bán trú và siêu thị; hình thành các cửa hàng bán gà thịt thành phẩm của HTX với phương châm “An toàn, sạch, giá cả bình ổn”.
Đây là mô hình chăn nuôi giúp tăng lợi ích kinh tế, giảm tác động đến môi trường nên rất cần được nhân rộng nhằm phát huy những ưu điểm của mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
Như Yến