Đại Từ đang đẩy mạnh trồng chè hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường |
Hiện thực hóa mục tiêu
Để phát triển cây chè thành cây chủ lực, huyện Đại Từ đặt mục tiêu đến năm 2020 ổn định diện tích trồng chè hơn 6.300 ha, sản lượng 68.000 tấn chè búp tươi/năm.
Đặc biệt, huyện chủ động đẩy mạnh chuyển đổi giống chè hiệu quả, với mục tiêu nâng diện tích chè giống mới, chất lượng cao lên hơn 4.000 ha (chiếm khoảng 60%), đồng thời nâng diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP chiếm 20% tổng diện tích.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, huyện Đại Từ đã xây dựng đề án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ chè huyện Đại Từ” với các nội dung thiết thực, tạo động lực phát triển trực tiếp cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ nông dân trồng chè.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Đại Từ đã tiến hành trồng mới, trồng thay thế hơn 1.200 ha bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao, xây dựng vườn chè giống tại xã Cát Nê. Huyện cũng tích cực hỗ trợ các hộ trồng chè, HTX, tổ hợp tác lắp đặt hệ thống tưới chè tiết kiệm, nâng diện tích sản xuất chè vụ Đông trong toàn huyện đạt hơn 1.000 ha.
Những chính sách cụ thể đã tạo động lực cho nhiều mô hình sản xuất chè bứt lên. Đơn cử, HTX chè La Bằng hiện có 20 ha trồng những giống chè chất lượng cao như chè trung du, keo am tích, hoa nhật kim...
Sản phẩm của HTX được kiểm soát chặt chẽ từ khâu làm đất, chọn giống, trồng, chăm sóc, chế biến theo quy trình sản xuất chè sạch tiêu chuẩn VietGAP, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sản xuất khoa học gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi bền vững của các hộ trồng chè |
Sạch để bền vững
Bà Nguyễn Thị Hải – Giám đốc HTX chè La Bằng, chia sẻ: “Trong xu hướng phát triển chung của cây chè trên địa bàn huyện Đại Từ, HTX La Bằng luôn chú trọng sản xuất hiện đại gắn với bảo vệ môi trường để mở ra hướng đi bền vững cho thành viên, hộ dân liên kết”.
Đơn cử, trong quá trình sản xuất, việc sử dụng phân bón, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali…) được HTX tính toán chuẩn về lượng và chỉ sử dụng vào thời điểm đầu sinh trưởng của vườn cây. Khi cây chè trưởng thành, các loại phân hữu cơ, ủ hoai sẽ được ưu tiên, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo chè sạch cho người tiêu dùng.
Ông Đỗ Xuân Hòa - Phó chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: “Việc phát triển cây chè đang được huyện triển khai đồng bộ từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Số lượng làng nghề, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp tăng mạnh là cơ sở để nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi giá trị ngành chè của huyện”.
Hiện, toàn huyện đã có 38 làng nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Qua đó, nhiều vùng chè tập trung ở các xã: La Bằng, Yên Lãng, Tân Linh, Phú Lạc... đã trở thành những vùng chè tiêu biểu của tỉnh, mang lại thu nhập cho người trồng chè trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Trong thời gian tới, huyện sẽ chú trọng phát triển các mô hình chè theo hướng hữu cơ, chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho người sản xuất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng thu nhập cho người dân, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại các vùng trồng chè.
Phượng Vỹ