Sau nhiều năm lăn lộn với nghề nông, sản xuất thiếu quy củ, manh mún, thị trường tiêu thụ không ổn định đã khiến anh Dương Ngọc Chức ấp ủ ý tưởng thành lập HTX với mong muốn phát huy vai trò "bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả cao.
Cho cam “ăn” đậu tương
Tháng 6/2017, HTX Dương Nam chính thức được thành lập với 8 thành viên do anh Dương Ngọc Chức làm giám đốc, với ngành nghề chính là trồng, kinh doanh sản phẩm cây ăn quả có múi, trồng chè...Mục tiêu là sản xuất sản phẩm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao trên diện tích 13 ha, trong đó có 8 ha cam giống CS1, 4 ha bưởi các loại, nhiều nhất là bưởi Diễn và 1 ha chè.
Trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây cam đảm bảo an toàn thực phẩm tại HTX Dương Nam (Ảnh: Tư liệu) |
Ngay từ khi đi vào hoạt động, HTX đã được các cấp, ngành quan tâm, ủng hộ, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ 15 triệu đồng. Phòng NN&PTNT huyện thường xuyên hỗ trợ về kỹ thuật, tạo điều kiện cho thành viên HTX tham gia các lớp tập huấn và tham quan học hỏi một số mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả.
Trên cơ sở đó, HTX vận động thành viên dồn đổi đất đai, đầu tư cải tạo đất nhằm khắc phục hạn chế về đất đai manh mún, tạo thuận lợi ứng dụng tiến bộ KHCN, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập. Đặc biệt, HTX định hướng thành viên quan tâm sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường để tạo dựng niềm tin nơi người tiêu dùng.
Giám đốc Dương Ngọc Chức cho biết, xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của HTX nên trong quy trình chăm sóc cây trồng, nhất là với cây cam, các thành viên luôn coi trọng sản xuất sạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Để nuôi cây cam sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, các thành viên thường xuyên cho cam "ăn” đậu tương và dùng chế phẩm sinh học như ngâm gừng, tỏi, ớt phun cho cây trồng để phòng trừ sâu bệnh. Cách làm này giúp môi trường không khí trong lành, mang lại sức khỏe cho các thành viên và nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm.
Hướng tới quy trình VietGAP
Nhờ quy trình sản xuất sạch và an toàn, trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch 100 tấn cam quả đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài sản phẩm làm ra, HTX thu mua khoảng 600 tấn cam đạt tiêu chuẩn chất lượng, kết nối với một số cơ sở tại Hà Nội nên phần lớn sản phẩm được cung cấp cho thị trường Thủ đô và vào các siêu thị lớn như Big C, Lotte...
Sản phẩm cam của HTX Dương Nam có vị thơm, độ đậm, ngọt đặc trưng (Ảnh: TL) |
Sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX có nhiều thuận lợi, đời sống của thành viên được nâng cao. Năm 2019, tổng doanh thu của HTX đạt trên 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Với những thành công này, HTX Dương Nam được Liên minh HTX tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến.
Chia sẻ dự định của HTX trong thời gian tới, ông Dương Ngọc Chức cho biết: "Chúng tôi có hướng phát triển thêm thành viên và đưa toàn bộ diện tích cam của HTX cũng như một số hộ lân cận trồng theo quy trình VietGAP để giữ vững uy tín trên thị trường". Bởi sản xuất nông nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến môi trường khi bà con trong quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi không tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, các loại phân bón hóa học, vấn đề xử lý phụ phẩm, chất thải... Sản xuất theo quy trình VietGAP an toàn, thân thiện với môi trường đang là hướng được ngành chức năng tỉnh Hòa Bình khuyến khích áp dụng.
Với dự định này, HTX mong muốn được các cấp, ngành quan tâm có chính sách ưu đãi đầu tư, giúp HTX thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật tư đầu vào và các biện pháp phòng trừ dịch hại theo phương pháp hữu cơ; hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại để quả cam vươn xa ra thị trường.
Thu Huyền