HTX đang trồng 30ha cây ăn quả, như: mận hậu, mận tam hoa, bơ, xoài, lê, bưởi da xanh. Ngoài ra, các thành viên còn phát triển chăn nuôi nhằm gia tăng giá trị sản xuất.
Từ trồng trọt “xanh”…
Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tư vấn, cùng với tự tìm hiểu, HTX đã tuyên truyền các thành viên không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, chủ động làm cỏ thủ công, tận dụng các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp, chất thải, bã thải chăn nuôi thu gom ủ mục thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Theo ông Lò Xuân Hồ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chiềng Khay Xanh, do chăn nuôi gà, vịt, lợn nên HTX chủ động nguồn phân ủ với chế phẩm men vi sinh. Đặc biệt, trong phòng trừ sâu bệnh, HTX đều chú trọng dùng thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học, là loại thuốc thân thiện với môi trường.
Riêng cỏ được làm cuốn chiếu. Khi cỏ tốt, thành viên cắt hoặc nhổ rồi gom thành từng đống, nắng thì vun vào gốc cây khiến cỏ bị thiếu nước mà chết, nhưng lại có tác dụng giữ ẩm cho cây.
Mận là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên HTX. |
Đến nay, sau 3 năm đi vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên thấy rõ những ưu thế vượt trội, chất đất từ khô cằn đã được cải tạo tơi xốp, có sự kết dính, có nhiều giun phát triển, tạo sự thông thoáng cho đất. Năng suất cũng cao hơn, mã quả đẹp, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất. Vì thế, sản phẩm của HTX được khách hàng đánh giá cao.
Chỉ riêng cây mận hậu và mận tam hoa, mỗi năm, HTX thu được 35 tấn, bán với giá trung bình 13.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi gần 400 triệu đồng.
Anh Lò Văn Hiển, thành viên HTX Chiềng Khay Xanh cho biết, anh chuyển đổi 3 ha đất trồng ngô sang trồng mận hậu, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn theo cam kết. Nhờ thâm canh, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên mận sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài ra còn bảo vệ được môi trường.
“Đây là điều kiện để gia đình tôi mở rộng diện tích và sản xuất lâu dài”, anh Hiển nói.
...Đến sản xuất sạch
Về chăn nuôi, HTX mỗi năm duy trì đàn bò ở mức 20 con, 30 - 40 con lợn; 2 lứa gà, ngan, vịt với số lượng trung bình mỗi lứa khoảng 1.000 - 1.500 con. Để cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm, ngoài 3ha cỏ trồng, đất trống trồng chuối, HTX còn tự làm thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí.
Theo các thành viên, trước đây, để đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm, HTX phải thu mua cá tép nhỏ về nghiền làm thức ăn. Việc này mất rất nhiều thời gian và công sức vì không phải lúc nào đặt mua cũng có cá tép.
“Trong cái khó ló cái khôn”, sau khi tìm hiểu thực tế, HTX tiến hành nuôi giun quế, nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng và nhộng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Cách làm này giúp HTX mỗi tháng tiết kiệm hàng chục triệu đồng đầu tư thức ăn chăn nuôi.
Ấu trùng ruồi lính đen là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. |
HTX đầu tư máy ép để làm cám viên thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, gồm: ngô, rau, cỏ, giun, nhộng và ấu trùng ruồi. Khi chủ động được nguồn thức ăn, đàn gia súc, gia cầm nhanh lớn, chất lượng thịt thơm ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trừ chi phí, mỗi năm HTX thu hơn 300 triệu đồng từ chăn nuôi.
Không những thế, chất thải sau khi nuôi giun quế được sử dụng để làm phân bón cho cây trồng. Một phần chất thải hữu cơ trong sinh hoạt và phân từ chăn nuôi được dùng để nuôi ruồi lính đen, nên quá trình sản xuất hầu như không còn chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Với hướng đi rộng mở, HTX Chiềng Khay Xanh đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Định hướng trong thời gian tới, HTX tiếp tục liên kết sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường, ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị... Mong muốn của HTX là tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của địa phương để tiếp cận các nguồn vốn vay và được chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng đầu ra cho nông sản. Đây là điều kiện giúp các thành viên và nông dân có nguồn thu nhập, yên tâm phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Huyền Trang