Đặc điểm chung của các mô hình trồng dừa hữu cơ tại Hoài Nhơn là sự gia tăng của hàm lượng khoa học – kỹ thuật, không sử dụng phân hóa học, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, thay vào đó là ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh.
Chuyển biến trong tư duy sản xuất
Ông Bùi Duy Khánh, chủ hộ trồng dừa tại xã Hoài Thanh Tây chia sẻ, trước đây gia đình ông trồng dừa theo phương pháp truyền thống, không áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón khiến đất đai bạc màu, không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các hộ trồng dừa đang chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ (Ảnh TL) |
Sau khi tham gia mô hình trồng dừa hữu cơ, gia đình ông Khánh được các cán bộ kỹ thuật chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc dừa theo quy trình hữu cơ chuẩn.
Cùng với sự hỗ trợ về khoa học – kỹ thuật và dịch vụ đầu vào, nhờ được HTX nông nghiệp Ngọc An bao tiêu sản phẩm, vấn đề tiêu thụ của gia đình ông Khánh cũng luôn ổn định, cao hơn giá thị trường.
Cũng tham gia mô hình trồng dừa hữu cơ, ông Lê Văn Nam cho biết: “Tham gia trồng dừa hữu cơ, tôi thấy đất đai màu mỡ hơn, cây dừa xanh tươi tốt hơn, kết quả rất cao. Trồng dừa sử dụng phân hữu cơ sẽ không ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sức khỏe riêng bản thân mình. Tôi thấy tham gia trồng dừa hữu cơ rất có lợi cho người nông dân”.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX Ngọc An (xã Hoài Thanh Tây), nhận định lợi thế của Hoài Nhơn là người nông dân canh tác dừa từ lâu, nhiều hộ ở địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa theo phương pháp hữu cơ cũng đã được HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để sản xuất dầu dừa, cho thu nhập ổn định.
“Việc đẩy mạnh triển khai mô hình trồng dừa hữu cơ trên địa bàn huyện đang thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất của người dân địa phương. Thay vì chạy theo số lượng, các hộ trồng dừa bắt đầu cải thiện kỹ thuật để nâng cao chất lượng”, ông Nghiệp nhấn mạnh.
Thu nhập ngày càng ổn định
Huyện Hoài Nhơn hiện có diện tích dừa lớn nhất tỉnh Bình Định với gần 3.000 ha, trong đó có hơn 2.582 ha dừa phục vụ chế biến (với các giống dừa ta, dừa dâu), năng suất đạt hơn 107 tạ/ha/năm, sản lượng thu hoạch hơn 27.643 tấn/năm. Diện tích dừa lấy làm nước giải khát (dừa xiêm xanh, xiêm ta, xiêm dây, xiêm lùn) hơn 374 ha, sản lượng thu hoạch 3.885 tấn/năm.
Hoài Nhơn đang chủ trương thúc đẩy chế biến thay vì xuất thô để nâng cao giá trị quả dừa (Ảnh TL) |
Những thay đổi trong tư duy sản xuất, chủ động ứng dụng phương thức hữu cơ giúp các mô hình trồng dừa nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định giá bán, từ đó gia tăng lợi nhuận cho các hộ trồng cây.
Ông Nguyễn Xuân Hào, chủ hộ trồng dừa tại Hoài Nhơn, phấn khởi nói: “Hiện nay thương lái đến tại vườn để gom mua. Tôi trồng 60 cây dừa xiêm ta cho thu hoạch trái quanh năm, giá bán trái dừa tại gốc từ 10.000 - 15.000 đồng/trái tùy theo mùa. Ngoài ra, hàng năm, tôi ươm giống 1.500 - 2.000 cây dừa con để bán với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/cây. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập 100 triệu đồng từ nghề dừa”.
Đại diện UBND huyện Hoài Nhơn cho biết phương hướng của địa phương trong thời gian tới là nhân rộng các mô hình trồng dừa hữu cơ, giảm dần việc xuất bán quả thô, thúc đẩy chế biến sâu để gia tăng giá trị sản xuất cho người trồng dừa.
Nhật Minh