Quảng Trị là nơi cung cấp giống tiêu cho một số địa phương trong cả nước. Với đặc trưng khí hậu đặc thù của vùng nhiệt đới, nên sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị có mùi vị đặc trưng riêng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Quảng Trị chú trọng sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn sinh học |
Toàn tỉnh hiện có trên 2.500 ha canh tác hồ tiêu; trong đó, 2.042 ha diện tích đang cho sản phẩm, sản lượng bình quân đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Các chuyên gia cũng đã đưa ra đánh giá về mức độ phù hợp của những địa bàn trong tỉnh - nơi có hội tụ đủ điều kiện thích nghi nhất để trồng cây hồ tiêu; cụ thể đang được phân bố tập trung chủ yếu ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa.
Hiện nay, giống tiêu đang được người dân trong tỉnh sử dụng để canh tác chủ yếu là những nguồn giống có chất lượng cao của địa phương, tiêu biểu như: Tiêu Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh); tiêu Cùa (huyện Cam Lộ)... Trong đó, riêng đối với giống tiêu Vĩnh Linh đã được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá là một trong 5 giống tiêu có chất lượng tốt thuộc loại hàng đầu trong cả nước. Vì thế, hiện tỉnh Quảng Trị cũng đang là nơi sản xuất ra nguồn giống tiêu tốt cung cấp cho một số địa phương trong cả nước.
Những năm qua, huyện Gio Linh xác định hồ tiêu là loại cây truyền thống ở địa phương, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Với lợi thế là vùng có diện tích đất đỏ bazan màu mỡ, nhiều xã trong huyện cũng được đánh giá có mức độ thích nghi đối với hồ tiêu là cao nhất, cây trồng tại đây sẽ cho sản phẩm hạt với chất lượng tốt nhất. Chủ yếu tập trung ở các xã gồm: Gio An, Gio Sơn, Hải Thái, Gio Hoà, Linh Hải. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết cùng với dịch bệnh bùng phát đã là làm giảm gần 40 ha diện tích trồng tiêu của toàn huyện; hiện chỉ còn khoảng 428 ha.
Trước thực trạng về sản xuất và tiêu thụ cây hồ tiêu như vậy, để sớm phục hồi lại các vườn tiêu, chính quyền huyện đã giao trách nhiệm cho các phòng, đơn vị chức năng tăng cường công tác tập huấn cho bà con nông dân trên địa bàn về kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh; đồng thời tập trung triển khai xây dựng nhiều mô hình vườn giống tiêu an toàn. Hiện, toàn huyện đã hỗ trợ và xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm trên cây tiêu với tổng diện tích 9,6 ha, năng suất bình quân đạt gấp 1,5 lần so với việc canh tác đại trà.
Tiêu biểu là mô hình trồng tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế triển khai ở xã Gio An đang cho thấy mở ra hướng đi mới khi cả năng suất và chất lượng sản phẩm đều được đảm bảo, giá bán luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm tiêu sạch, UBND xã cũng đã tiến hành liên kết với Công ty Organics More tại TP Hồ Chí Minh để hợp tác xuất khẩu toàn bộ số hồ tiêu hữu cơ trên địa bàn sang thị trường châu Âu.
Hiện đã có 52 ha trồng hồ tiêu của xã đã được Tổ chức Unison Control EU cấp chứng nhận vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Nhờ đó, hồ tiêu sau khi được thu hoạch, chế biến sẽ được công ty thu mua tận hộ gia đình, đảm bảo giá cả ổn định theo cam kết giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân tham gia mô hình.
Năm 2018, Tổ hợp tác tiêu hữu cơ xã Gio An đã xuất bán ra nước ngoài hơn 18 tấn hồ tiêu hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu; năm 2019 cũng đã xuất khẩu được 43 tấn. Sản phẩm tiêu hữu cơ có giá bán 78.000 đồng/kg, đang cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với giá tiêu trên thị trường hiện nay. Với hiệu quả vượt trội, mô hình sản xuất hồ tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ hiện đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Qua khảo sát thực tế, đồng thời căn cứ vào đề xuất xây dựng, triển khai dự án của Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong cải tạo vườn tiêu theo hướng an toàn sinh học tại xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị”. Dự án được đầu tư và triển khai trong năm 2019, với quy mô 1,6 ha gồm 16 hộ nông dân tham gia.
Theo đó, các cấp Hội hỗ trợ 40% vốn, 60% vốn do người dân đối ứng. Dự án được triển khai nhằm nâng cao về chất lượng và năng suất sản phẩm hạt tiêu khô. Vì vậy, các hộ dân cần phải áp dụng đúng quy trình khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Mặt khác, các cấp Hội tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con nông dân tham gia dự án mạnh dạn khôi phục sản xuất.
Vườn tiêu được xử lý dịch bệnh |
Khi tham gia dự án, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật như: Không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học, các chất biến đổi gen; không sử dụng dụng cụ, bình phun từ canh tác truyền thống cho canh tác hữu cơ; tất cả dụng cụ phải được rửa sạch trước khi sử dụng cho canh tác hữu cơ; nông dân phải lưu ý giữ nguyên liệu đầu vào của vườn nhà...
Nếu có trường hợp các chất cấm nêu trên vẫn còn được những hộ dân xung quanh đem sử dụng cho vườn lân cận thì hộ tham gia dự án phải tạo lập vùng đệm để có sự ngăn cách an toàn đối với khu vực vườn thực hiện canh tác hữu cơ.
Bên cạnh đó, các hộ dân cũng cần chú trọng tới việc bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất, giảm ô nhiễm, tối ưu hóa năng suất hữu cơ và phát triển lành mạnh. Vườn tiêu canh tác hữu cơ phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ (không chứa vỏ bao, chai thuốc, bao phân bón, rác thải hữu cơ trong vườn và xung quanh nhà); duy trì độ màu mỡ cho đất bằng cách tối ưu hóa các hoạt động sinh học cho đất; duy trì đa dạng hóa sinh học trong hệ thống; tái chế nguyên liệu tối đa trong phạm vi vườn...
Người trồng phải chú trọng tới quá trình thu hoạch, bảo quản, vận chuyển sản phẩm tiêu hạt để đảm bảo chất lượng của sản phẩm… Sản phẩm hồ tiêu hữu cơ khi đóng gói phải đảm bảo giữ tuyệt đối an toàn, tránh nhiễm hóa chất từ bao bì đựng hồ tiêu, nhiễm qua tay người thu hái, nhiễm từ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người trực tiếp thu hái, đóng gói…
Mô hình trồng tiêu ứng dụng vi sinh vật sẽ làm hạn chế về tình trạng phát triển sâu bệnh; quá trình thu hoạch được dễ dàng và thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Hiệu quả rõ nét nhất là cây tiêu sẽ phát triển nhanh, ra nhiều nhánh, năng suất đạt được cao hơn khoảng 0,5 lần so với cách trồng truyền thống. Những kết quả đó sẽ góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất nông nghiệp ở địa phương theo hướng hữu cơ phát triển bền vững.
Nhật Nam