Trồng rừng gỗ lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. |
Tác dụng lớn nhất của phát triển rừng gỗ lớn là chủ động tạo nguồn nguyên liệu trong nước cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản. Thực tế, do diện tích rừng trồng hiện chủ yếu là rừng ngắn ngày nên chất lượng gỗ không cao, với 80% sản lượng sử dụng cho công nghiệp giấy. Chỉ một lượng gỗ nhỏ khai thác trong nước được sử dụng chế biến đồ gỗ nội thất và mỹ nghệ, cho thu nhập cao.
Hiệu quả kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định qua mô hình chuyển hóa rừng trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn keo lai và keo tai tượng. Đặc biệt là cây keo tai tượng xuất xứ Pongaki. Hai địa phương trồng mới rừng thâm canh gỗ lớn nhiều gồm: huyện Ba Chẽ 70ha; Tiên Yên 50ha. Các địa phương chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn gồm huyện Hải Hà 60 ha, Đầm Hà 32 ha, Ba Chẽ 45 ha, Vân Đồn 33 ha, Hoành Bồ 40 ha.
Tại Quảng Ninh, keo lai và keo tai tượng là cây lâm nghiệp chính đang được gây trồng phổ biến ở hầu hết các địa phương. Rừng trồng keo các loại góp phần quan trọng trong cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.
So với rừng trồng gỗ nhỏ năng suất bình quân không cao hơn, nhưng số cây ít hơn, đường kính cây to hơn. So với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây.
Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo lai và keo tai tượng, đến năm thứ 6 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, sản lượng đạt từ 200 - 240 m3/ha và hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 18 cm, chiếm 50% trữ lượng khoảng 100 - 120 m3/ha. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 22 - 25 triệu/ha/năm, cao hơn từ 1,5 - 2 lần giá trị rừng gỗ nhỏ và cao hơn giá trị kinh tế đối với rừng trồng gỗ lớn khác như thông, vối thuốc, mỡ…
Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn phần lớn được thực hiện trên đất rừng trồng sau khai thác, lập địa tương đối tốt (tầng đất trung bình 0,5m), khí hậu thuận lợi, phù hợp với với đặc điểm sinh thái của cây keo tai tượng. Thời vụ trồng rừng là vụ Xuân hoặc Xuân Hè.
Đặc biệt, việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thâm canh gỗ lớn được thực hiện tốt, không bị gia súc phá hại, không xảy ra cháy rừng. Mô hình trồng có tỷ lệ sống cao (trên 90%); 86,5% diện tích trồng đúng mật độ; 14,5% trồng dầy hơn từ 10-20%. Nguyên nhân do một số bộ phận người dân vẫn mong muốn trồng dầy để cây thẳng, sau khi rừng khép tán sẽ tỉa thưa để thành rừng gỗ lớn.
Qua đánh giá các mô hình tham gia dự án tại huyện Ba Chẽ và Tiên Yên có mật độ khoảng 1.220 cây/ha, đạt tỷ lệ sống trên 91%, chiều cao vút ngọn từ 10 - 12,85m, đường kính ngang ngực 10,96 - 16,86cm, chất lượng rừng tốt, không sâu bệnh, gẫy ngọn. So sánh với rừng trồng gỗ nhỏ, chiều cao cao hơn không đáng kể 0,52m (gỗ nhỏ 12,33m), đường kính ngang ngực lớn hơn khoảng 2,5 cm so với gỗ nhỏ.
Để nhận rộng mô hình công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế về trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng cần được tăng cường kết hợp thực hiện chủ trương xã hội hóa các nguồn lực và sự hỗ trợ của Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm như bảo hiểm rừng trồng, hỗ trợ tín dụng, xây dựng mô hình… nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn.
Việc triển khai Dự án Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn (chủ yếu là giống keo tai tượng xuất xứ Pongaki) giúp người dân tiếp cận được các nguồn giống mới chất lượng cao và mở rộng diện tích rừng trồng đạt hiệu quả cao.
Nhật Nam