Nếu như trước đây, HTX chỉ tập trung trồng một vài loại rau cơ bản thì nay đã đa dạng hơn, hầu như mùa nào cũng có các loại rau phù hợp để cung cấp cho thị trường.
Đáp ứng nhu cầu thị trường
Trên diện tích gần 6 ha, HTX đã triển khai trồng rau theo quy trình VietGAP. Việc đầu tư hệ thống điện, nước tưới, khu vực sơ chế, đóng gói với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng cũng không phải là trở ngại vì HTX đã tạo được niềm tin với các thành viên nhờ định hướng rõ ràng.
Nhờ tuân thủ nghiêm theo quy trình sản xuất, sản phẩm của HTX đã được Cục Quản Lý Chất Lượng Nông Lâm Thủy Sản Việt Nam cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Rau đến kỳ thu hoạch được HTX sơ chế, đóng gói và cung ứng cho các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể theo hợp đồng. Chỉ tính riêng năm 2019, HTX cung cấp ra thị trường 120 tấn rau các loại, mang về doanh thu trên 1,5 tỷ đồng. Sản phẩm của HTX được bán với giá cao hơn 10 - 15% so với rau cùng loại sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Rau được sơ chế, đóng gói trước khi đưa ra thị trường |
Bên cạnh đó, HTX cũng nỗ lực liên kết trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua sản phẩm nhằm cắt giảm chi phí. Giá bán ngày càng hợp lý khiến sản phẩm làm ra đến tay người tiêu dùng nhiều hơn. Điều đó là động lực để HTX tiếp tục phát triển sản xuất.
Việc HTX phát triển vùng sản xuất rau an toàn là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện. Bên cạnh đó, hoạt động của HTX Phước Hiệp còn góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Hiện, thị trường cung cấp rau của HTX không dừng lại ở trong tỉnh mà còn vươn ra tỉnh Khánh Hòa. Sự có mặt của sản phẩm “rau Phước Hiệp” trên thị trường đã từng bước thay thế các loại rau không đạt chất lượng vệ sinh an toàn và đem đến cho khách hàng sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, giàu dinh dưỡng.
Thân thiên môi trường
Việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP luôn đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ, chi tiết từ khâu xử lý đất, nguồn nước tưới, quá trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly với phân bón, thuốc trước khi thu hoạch đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, muốn thực hiện được các tiêu chuẩn, ngoài sự quản lý, hỗ trợ của các cấp ngành thì sự quyết tâm của các thành viên là vô cùng cần thiết.
Trước đây, trong quá trình sản xuất, do chú trọng đến năng suất, hiệu quả kinh tế nên người dân thường sử dụng nhiều hợp chất hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Việc sản xuất không đồng đều, mỗi người một ý cũng khiến chất lượng rau màu không bảo đảm chất lượng.
Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Phước Hiệp cho biết, do không có quy tắc nhất định nên xảy ra tình trạng rau ở ruộng nhà này đến kỳ thu hoạch thì nhà bên lại phun thuốc hóa học nên mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.
Bẫy màu bắt công trùng giúp hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật |
Tuy nhiên từ khi kết hợp cùng với các ngành chức năng sản xuất rau VietGAP, nông dân thực hiện nguyên tắc “4 đúng”, thực hành quản lý sâu hại theo phương pháp IPM hay dùng các biện pháp thủ công bắt côn trùng, sâu hại nên không xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hóa học.
Quá trình kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng từ thực tế đồng ruộng đến nhật ký đồng ruộng cũng là động lực giúp người dân “vào khuôn khổ”. Ngay trước khi xuất ra thị trường, sản phẩm cũng được kiểm tra xem bảo đảm không còn dư lượng thuốc BVTV mới được xuất ra thị trường.
Việc phòng trừ sâu bệnh đúng yêu cầu kỹ thuật không chỉ giúp bảo đảm chất lượng nông sản mà ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ nông nghiệp của người dân cũng được nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Sinh, thành viên HTX, cho biết: “Canh tác theo quy trình sản xuất mới, nông dân chúng tôi được hưởng nhiều lợi ích. Ngoài việc giảm lượng thuốc trừ sâu, sức khỏe ít bị ảnh hưởng thì giá trị kinh tế và môi trường mang lại cũng cao hơn trước. Tình trạng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan cũng không còn”.
Có thể thấy, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường là giải pháp để phát triển bền vững, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế. Vì vậy, HTX Phước Hiệp đang tích cực hỗ trợ người dân tích cực mở rộng áp dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp VietGAP vào thực tế vì đây là một trong những hướng đi thân thiện với môi trường hiện nay.
Như Yến