Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, người dân đã chú trọng đầu tư thâm canh, tạo sự chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến và thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống chè, tăng diện tích các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, như: Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...
Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, hàng năm, làng nghề mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trồng, chế biến chè chất lượng cao theo quy trình an toàn cho người dân, hình thành thói quen ghi chép nhật ký, theo dõi từng chu kỳ, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng quy định, đảm bảo quy định về an toàn lao động (ATLĐ).
Năm 2016, để chuyên nghiệp hóa sản xuất, làng nghề thành lập HTX sản xuất, chế biến chè Phú Thịnh với 11 thành viên tham gia, nhằm xây dựng chuỗi giá trị, hướng đến sản xuất chè an toàn, hiệu quả. Đến nay, HTX đã đầu tư xây dựng 50ha trồng chè an toàn theo quy chuẩn VietGAP.
HTX được thành lập đã tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ trồng chè, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, tạo động lực cho các hộ sản xuất, chế biến chè phát triển theo hướng hàng hóa và giải quyết những nhu cầu chung thúc đẩy sản xuất làng nghề đạt hiệu quả cao.
Mô hình HTX trong làng nghề tại Phú Thịnh đang mở ra hướng phát triển an toàn và hiệu quả cho người dân |
Qua các lớp tập huấn, thực hiện các mô hình điểm về ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức, thành viên HTX chè Phú Thịnh và người dân làng nghề chè đã tích cực áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo ATLĐ từ khâu trồng, chăm sóc, đến chế biến, tiêu thụ…
Trong đó, HTX và làng nghề đặc biệt chú trọng đến áp dụng quy trình an toàn, đảm bảo ATLĐ trong chăm sóc, chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm chè chất lượng cao, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời thực hiện tốt các quy định về môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân làm chè.
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng làng nghề kiêm Giám đốc HTX cho biết: “Sản xuất chè an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao đời sống người làm chè là hướng đi được các thành viên trong làng nghề và HTX hướng tới, nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm chè”.
Làng nghề và HTX đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả, giảm công lao động trong sản xuất. Người lao động được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ trong quá trình sản xuất, đặc biệt trong các khâu tiềm ẩn rủi ro tai nạn như thu hoạch chè, sao chè, đóng gói (các hoạt động dùng máy.
Quá trình cơ giới hóa gắn với ATLĐ cũng được làng nghề và HTX đẩy mạnh. Anh Nguyễn Trung Kiên - thành viên làng nghề chia sẻ: “Nhà tôi đang phát triển hơn 1ha chè VietGAP. Nhờ được hỗ trợ, cuối năm 2016, tôi đầu tư xây dựng 2 lò chế biến chè bằng inox, đồng thời sử dụng máy chế biến chè khô, giúp lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần”.
Các thành viên làng nghề cũng thường xuyên được tham gia các buổi tập huấn, nâng cao kỹ thuật trồng và chế biến chè an toàn, đảm bảo ATLĐ, đặc biệt trong khâu vận hành máy móc, thiết bị nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn cao nhất.
Nhật Minh