Năm 1959, một số thợ gốm ở Thanh Hóa đã di cư về đây và mở lò gốm làm các vật dụng đơn giản như nồi, niêu, chum vại. Từ đó, làng gốm Gia Thủy ra đời.
Hiện, HTX gốm Gia Thủy có 68 thành viên, vốn điều lệ khoảng 5 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là sản xuất gốm sành dân dụng, chế biến đất sét, tạo hình và nung sản phẩm thủ công.
Hiệu quả sản xuất
Nhằm phát triển làng gốm, năm 2012, UBND xã Gia Thủy đã ưu tiên dành 5.000 m2 đất để quy hoạch khu sản xuất gốm tập trung và 9.800 m2 khu nguyên liệu để các cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét phục vụ cho sản xuất làng nghề. Đến nay, diện tích nhà xưởng phục vụ sản xuất của HTX là 15.400m2, gồm 3 khu sản xuất, lò nung của 3 tổ tập trung tại vùng đất được quy hoạch.
HTX có 6 nghệ nhân được công nhận, gần 30 hộ làm nghề và kinh doanh gốm. Mỗi năm, HTX sản xuất và xuất bán ra thị trường khoảng trên 40.000 sản phẩm, cho doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/ người/tháng.
Hiện nay, sản phẩm gốm của HTX sản xuất chủ yếu cung cấp ra thị trường các tỉnh, thành phố lớn, phục vụ trong các nhà hàng… thông qua các hợp đồng, đại lý và cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Sản phẩm làm ra không đủ số lượng tiêu thụ do được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, khách hàng của các nước Nhật Bản, Hà Lan còn ký kết hợp đồng lâu dài với HTX.
Một số sản phẩm bán chạy của HTX như bình rượu, chum, vại được sản xuất cách điệu và có hoa văn, phong cảnh làng quê Việt Nam tạo nên một nét riêng, vẻ đẹp riêng cho gốm Gia Thủy.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Mai cho biết nét đặc trưng của gốm Gia Thủy được làm từ nguyên liệu đất sét có màu nâu vàng, đây là nguyên liệu có sẵn tại địa phương và chỉ tại làng nghề mới có. Loại đất này có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt.
Đặc biệt, sản phẩm bình rượu bằng gốm có thể khử các chất độc hại gây đau đầu sau khi uống rượu và làm giảm nồng độ methanol trong rượu, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Độc đáo sản phẩm gốm Gia Thủy |
Giữ gìn giá trị văn hóa
Để làm ra được một sản phẩm gốm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn làm gốm yêu cầu người thợ cần có sự tỷ mỉ, cẩn thận tránh sai sót. Đất sét khi lọc qua nước sẽ được loại bỏ tạp chất, cô đặc rồi đem phơi đủ độ ẩm.
Công đoạn phơi đất cần cẩn thận bởi đất phơi khô quá cũng không làm được gốm mà ướt quá cũng khó làm gốm. Vì thế khi phơi, người thợ phải thường xuyên quan sát độ khô ướt của đất.
Đất sau khi phơi sẽ được đem vào xưởng sản xuất làm nhuyễn thêm để tạo độ keo và mịn hơn khi nặn. Đất sét làm gốm ở Gia Thủy có màu vàng nên rất tốt khi làm gốm, khi sản phẩm ra lò cũng có độ bền, óng đẹp rất cao. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ nặn đất theo mẫu khác nhau.
Theo các nghệ nhân ở HTX gốm Gia Thủy, những năm gần đây, nhiều vật dụng bằng nhựa phát triển với giá thành rẻ khiến cho việc tiêu thụ của làng nghề giảm. Tuy nhiên, các nghệ nhân, thành viên trong HTX không nản chí mà vẫn quyết tâm thắp lửa làng nghề.
Để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, các chủ cơ sở sản xuất gốm đã tìm tòi, mua máy móc, áp dụng khoa học công nghệ làm tăng năng suất gấp 2 đến 3 lần so với làm thủ công như trước. Đồng thời, cải tiến mẫu mã sản phẩm nhưng không làm mất đi nét đặc trưng của gốm Gia Thủy.
Hà Xuyên