Hiệu quả mang lại
Khu vực bờ biển và khu nuôi tôm xã Bình Châu luôn là "điểm nóng" về việc xả rác thải. Đủ các loại rác thải được chất thành từng đống cao cả mét, kéo dài đến gần cây số gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.
Bình Châu luôn là điểm nóng của vấn đề rác thải (Ảnh: TL) |
Tuy mới thành lập nhưng THT tự nguyện thu gom rác thải bước đầu đã mang lại tín hiệu tích cực, vô cùng khả quan.
Theo đó, THT đã xử lý triệt để tình trạng đổ rác thải không đúng nơi quy định. Nếu như trước đây, các tụ điểm mà người dân thường vứt bỏ rác thải gây ô nhiễm môi trường, như cầu Quỳnh Lưu – chợ Bờ đắp, dốc Ông Số (thôn Châu Me – Châu Thuận Nông)... thì nay đã được dọn sạch sẽ.
Với 4 thành viên tham gia, mỗi ngày, tổ thu gom gần 10 tấn rác thải. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã trích nguồn kinh phí hơn 21 triệu đồng/tuần để thuê xe của Công ty CP Cơ điện - Môi trường Lilama vận chuyển rác thải đến nơi xử lý của công ty. Hiện nay xã đã quy hoạch khu tập kết rác thải ở thôn Châu Me, cách khu dân cư 2km.
Anh Ngô Trung Kin, Tổ trưởng THT tự nguyện thu gom rác thải xã Bình Châu cho biết: “Chúng tôi làm việc trên tinh thần tự nguyện, nên anh em rất thoải mái. Quan trọng hơn là, ai có dụng cụ gì hỗ trợ được cho công việc thì đều tự nguyện đóng góp. Tôi tự nguyện đóng góp chiếc xe ba bánh để làm phương tiện thu gom rác cho bà con. Còn đồ bảo hộ, đã có chính quyền hỗ trợ”.
Còn những khúc mắc
Tới thời điểm hiện tại, THT tự nguyện thu gom rác thải của xã Bình Châu đã và đang hoạt động rất hiệu quả. Mỗi tháng, mỗi hộ dân đóng 25 nghìn đồng để duy trì hoạt động của tổ thu gom rác thải và được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng.
Mô hình thu gom rác tự quản (Ảnh: TL) |
Tuy nhiên, chính quyền và người dân vẫn còn nhiều trăn trở về việc duy trì hoạt động lâu dài của THT thu gom rác thải tự nguyện này.
Giải đáp vấn đề này, Bí thư Đảng uỷ xã Bình Châu Lê Văn Nguyên cho biết: “Mỗi tháng, ngân sách xã chi gần 70 triệu đồng để trả cho các hoạt động của đội thu gom rác và xử lý rác thải. Trong khi đó, hằng năm kinh phí sự nghiệp về môi trường chỉ hỗ trợ hơn 20 triệu đồng, nên không đủ để trang trải các chi phí về môi trường, cũng như xử lý rác thải của địa phương. Chúng tôi rất mong các cấp xem xét và hỗ trợ thêm kinh phí, để việc thu gom, xử lý rác thải ở địa phương được duy trì và thực hiện hiệu quả”.
Vừa qua, người dân thôn Định Tân đã đóng góp hơn 80 triệu đồng để xây rào chắn và làm biển cấm không cho xả rác, nhằm giữ gìn môi trường và cảnh quan khu vực cầu Quỳnh Lưu và chợ Bờ Đắp.
“Tôi là tiểu thương buôn bán ở đây đã lâu, nên thấy được tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng ở khu vực này. Do đó, khi có tổ tự nguyện thu gom rác thải được thành lập, tôi rất ủng hộ, mỗi người nên đóng góp một phần kinh phí để duy trì hoạt động của mô hình này”, bà Nguyễn Thị Âu, một tiểu thương chợ Bờ Đắp chia sẻ.
Những đóng góp của THT thời gian qua đã đem lại một kết quả đáng mừng, lan tỏa được nhiều hành động ý nghĩa và thiết thực trong vấn đề bảo vệ mô trường. Hi vọng rằng, thời gian tới THT sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí từ các ban ngành đoàn thể để có thể duy trì và phát triển hơn nữa.
Ngọc Giang