Nghề mới mang lại thu nhập ổn định
Dúi là loại động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Có thể kể đến như mô hình nuôi dúi của ông Lê Văn Sáng (thôn Quảng Đại) - nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Cường.
Mô hình nuôi dúi của ông Lê Văn Sáng (Ảnh: TL) |
Năm 2016, ông Sáng bắt đầu tìm đến các cơ sở nuôi dúi rừng để tìm hiểu mô hình này. “Lúc mới nghỉ hưu, tôi cũng tính đến việc nuôi bò làm kinh tế nhưng nhận thấy sức khỏe không cho phép, diện tích vườn nhà chật nên quyết định chọn nuôi con dúi. Đây là con vật nuôi mới và có thể nuôi ở những không gian hẹp, không quá tốn công như các loài khác”, ông Sáng chia sẻ.
Theo ông Sáng, nuôi dúi không phải dùng đến thuốc thú y vì loài này có sức đề kháng rất cao. Thức ăn chính khá đơn giản và dễ kiếm như các cây thuộc họ tre, mía, cỏ voi. Không gian nuôi không cần quá rộng, chỉ ghép gạch men 0,5m2 thành ô vuông là đủ.
Loài dúi ngoài tự nhiên sống ở hang, hoạt động vào ban đêm nên chuồng trại cần ít ánh sáng, nhiệt độ thích hợp từ 25 - 30 độ C, trường hợp nóng quá phải có biện pháp giảm nhiệt.
Hiện, đàn dúi của ông Sáng đã tăng lên đến 100 con, trong đó có 50 con giống sinh sản và đã xuất bán nhiều lứa. Trung bình mỗi năm, 1 con dúi mẹ sẽ đẻ được 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 4 con con. Dúi nuôi khoảng từ 5 - 6 tháng là có thể xuất bán. Dúi trưởng thành có trọng lượng gần 2kg, giá thị trường vài trăm nghìn đồng/kg.
Bên cạnh làm kinh tế cho riêng mình, ông Sáng còn chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu mô hình đến các hội viên cựu chiến binh, thanh niên trên địa bàn huyện.
Từ mô hình của ông Sáng, ông Mai Văn Bảo (thôn Ô Gia, xã Đại Cường) cũng đến tìm hiểu và mua giống về nuôi tại vườn nhà. “Nhận thấy việc nuôi dúi rất đơn giản, ít dịch bệnh và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi heo và gà, nên ban đầu tôi mua 10 cặp về nuôi thử. Đến nay, đàn dúi phát triển tốt, có nhiều cá nhân đặt mua nhưng không đủ để cung cấp. Thời gian tới, tôi tiếp tục gây đàn và mở rộng diện tích nuôi”, ông Bảo cho biết.
Liên kết cùng phát triển
Từ những thành công ở các mô hình nuôi dúi tại các địa phương cũng như hiệu quả mà con vật nuôi này mang lại, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Đại Lộc đã quyết định liên kết thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi dúi Đại Lộc gồm 9 thành viên, gồm 6 thanh niên, 1 cựu chiến binh, 1 cựu giáo chức và 1 hội viên nông dân, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật, con giống, đầu ra…
THT chăn nuôi dúi Đại Lộc ra đời tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật, con giống, đầu ra…(Ảnh: TL) |
Anh Huỳnh Thế Toàn - Phó Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc, thành viên của THT, cho biết tổng đàn dúi của THT đang có khoảng 1.000 con. Các thành viên trong THT cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm nên đã mang lại hiệu quả tích cực. Những sản phẩm dúi từ THT Đại Lộc đều được tiêu thụ hết, thậm chí không đủ nguồn cung cho thị trường.
“Dúi rất dễ nuôi, chỉ cần bỏ ra thời gian khoảng 1 giờ đi tìm tre, mía, cỏ voi là đủ cho dúi ăn cả tuần. Nuôi dúi ít tốn công chăm sóc, nếu bận chỉ cần bỏ thức ăn đủ trong ngày vào buổi sáng. Như tôi đang có 30 dúi mẹ. Tính ra mỗi năm đẻ 3 lứa trung bình được 7 con, vậy tôi có 210 con. Mỗi năm trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng”, anh Toàn chia sẻ.
Sắp tới, THT hướng đến nhân rộng mô hình, kêu gọi nhiều nhiều người dân trên địa bàn cùng tham gia để thành lập chuỗi cung ứng sản phẩm lúc khách hàng cần số lượng lớn.
“Việc phát triển nuôi dúi sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều người nhàn rỗi có thêm thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ có hướng hỗ trợ người nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi dúi được hiệu quả hơn”, anh Toàn cho biết.
Bên cạnh đó, Huyện đoàn Đại Lộc sẽ giúp THT hoàn thành thủ tục đăng ký chăn nuôi đối với động vật đặc thù. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn vay và đề xuất các công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện có cơ chế hỗ trợ về nguyên vật liệu để THT đầu tư xây dựng, mở rộng chuồng trại chăn nuôi.
Ngọc Giang