Trong một thời gian dài, hầu hết nông dân tại Quảng Ngãi đã quen sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất nông nghiệp, khiến ô nhiễm môi trường là nguy cơ hiện hữu trên hòn đảo xinh đẹp này. Chính vì vậy mà tình trạng nông sản rớt giá, phải giải cứu đã xảy ra. Tuy nhiên, mạnh dạn thay đổi theo hướng nông sản sạch đã giúp nơi đây dần hình thành mô hình nông sạch đi đôi với bảo vệ môi trường.
Sản xuất sạch đi đôi bảo vệ môi trường
Tổ hợp tác chăn nuôi bò xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) thành lập năm 2015 và nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của địa phương và ngành nông nghiệp.
Lúc mới thành lập, tổ có 30 thành viên, với tổng số bò đóng góp vào tổ khoảng 100 con. Đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động, số thành viên của tổ đã tăng lên 35 hộ, số lượng bò tăng lên 160 con. Đến nay, 100% số bò của tổ đều là bò siêu thịt và bò 3B (giống bò có năng suất cao).
Để đạt được những kết quả trên, Tổ hợp tác đã khuyến khích thành viên phát triển diện tích cỏ nuôi bò để chủ động nguồn thức ăn. Ngoài ra, THT còn đầu tư máy cắt cỏ, máy nghiền cỏ nên tiết giảm được nhân công, bảo đảm lượng thức ăn trong mỗi ngày dù nuôi với số lượng lớn. Phân bò được tận dụng để bón cho diện tích cỏ sau khi ủ hoai mục nên gia tăng giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường.
Hiện, các thành viên Tổ hợp tác đều được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Nhờ chủ động kỹ thuật, tự túc được phần lớn nguồn thức ăn nên bình quân mỗi tháng một con bò lai siêu thịt sinh lời từ 500 nghìn đồng trở lên. Sau 4 năm xuất chuồng, mỗi con bò có lãi từ 24 triệu đồng trở lên. Nhờ vậy, các thành viên trong tổ có mức thu nhập khá cao, bình quân khoảng hơn 60 triệu đồng/hộ/năm, cá biệt có hộ đạt tới hơn 100 triệu đồng/năm.
Hay mô hình sản xuất tỏi hữu cơ của anh Đặng Văn Trọng, 34 tuổi trên đảo Lý Sơn. Trồng tỏi nhưng anh để nguyên cỏ dại, cỏ chỉ được loại bỏ khi mọc quá phần ngọn cây tỏi nhằm tránh tình trạng tranh chấp ánh sáng. Theo anh Trọng, cỏ dại được giữ lại nhằm đảm bảo độ ẩm cho đất và hạn chế sâu bệnh gây hại, quy trình canh tác chỉ dùng phân chuồng, rong biển, lá cây bón lót.
Bắt tay vào làm nông sản sạch, Trọng gặp không ít khó khăn khi môi trường đất bị nhiễm phèn, sâu bệnh hoành hành. Anh đã mạnh dạn phục hồi lại đất và tạo môi trường sinh thái xung quanh ruộng tỏi nhà mình.
Trồng tỏi hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường |
Canh tác theo phương thức này năng suất không cao nhưng bù lại mỗi kg tỏi hữu cơ được giá bán ra cao hơn 3 - 4 lần so với tỏi bình thường. Để tiện cho việc tiêu thụ nông sản, anh Trọng đã lập công ty do chính mình làm giám đốc. HTX cũng đầu tư sang mảng chế biến tỏi đen để nâng cao giá trị.
Mô hình sản xuất của HTX không chỉ góp phần nâng cao giá trị cây tỏi Lý Sơn mà còn là điểm thu hút khách du lịch. “Khi khách du lịch ra Lý Sơn có sản phẩm nông nghiệp sạch, họ sẽ đến tham quan hay trình diễn, tìm hiểu và từ đó giá trị cây tỏi sẽ cao hơn”- anh Trọng cho biết.
Tăng cường liên kết
Nhằm hạn chế những tác động xấu củ khí hậu đến sản xuất, đồng thời thúc đẩy ngành nông nghiệp theo hướng bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng phát triển sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, người dân phát triển nông sản sạch, nông sản hữ cơ, tỉnh đã đẩy mạnh việc quy hoạch nhằm tạo quỹ đất, hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ, hỗ trợ về vốn và sản phẩm sản xuất ra phải tìm được nơi tiêu thụ cho người dân và các đơn vị sản xuất. Tại Quảng Ngãi, tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, tỉnh cũng thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao. Tiêu biểu là công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín sản xuất khoảng 30ha lúa hữu cơ, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 200 tấn gạo hữu cơ. Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo này đã liên kết được với HTX để hỗ trợ người dân sản xuất. Cụ thể là công ty đã liên kết với HTX nông nghiệp Hành Nhân. Ngoài hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đầu ra, công ty cũng nhận bảo hành năng suất cho bà con ở mức 60 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân của tỉnh 52- 55 tạ/ha; nếu thấp hơn doanh nghiệp sẽ bù lỗ nên người nông dân rất phấn khởi.
Hay mô hình sản xuất của Tập đoàn Quế Lâm đã và đang khảo sát trồng lúa hữu cơ tại các địa phương như Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn. Công ty xuất - nhập khẩu bao bì TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng dự án đầu tư mô hình trồng khoai lang Nhật Bản xuất khẩu với quy mô 200- 250ha tại huyện Mộ Đức...
Có thể thấy việc các đơn vị, HTX, doanh nghiệp sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã dần giúp phát triển ngành nông nghiệp địa phương. Những mô hình liên kết sản xuất còn tạo ra chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giải quyết bài toán môi trường nhờ chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc theo hướng hiện đại.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cho biết, tỉnh đang có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực tín dụng ngân hàng, đất đai, chính sách nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại đóng trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất một cách tốt nhất.
Huyền Trang