Mô hình chăn nuôi heo Lũng Pù theo hướng an toàn sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm, được triển khai trên địa bàn xã Phước Đại từ năm 2019, với sự hỗ trợ tích cực từ các ban, ngành. Sau gần 3 năm phát triển, toàn xã đang có hơn 20 hộ nông dân triển khai, mở ra hướng đi nhiều tiềm năng.
Hiệu quả bước đầu
Năm 2019, gia đình ông Võ Đình Tư, thành viên tổ hợp tác chăn nuôi xã Phước Đại, tham gia mô hình nuôi heo Lũng Pù và được địa phương hỗ trợ 3 con heo nái.
![]() |
Heo được nuôi theo hướng bán chăn thả, hoàn toàn không có hóa chất độc hại (Ảnh TL). |
Ông Tư cho biết trong năm đầu tiên, 1 heo nái chỉ sinh 3 heo con. Những năm tiếp theo, trung bình mỗi lứa 1 heo nái sinh khoảng 5 - 8 heo con. Nếu chăn nuôi bài bản, đúng quy trình kỹ thuật, heo đẻ 3 lứa/năm.
“Sau 6 tháng nuôi với hình thức bán chăn thả, heo có trọng lượng khoảng 30 kg. Với giá bán bình quân 200 – 250 nghìn đồng/kg, mỗi lứa heo gia đình tôi thu về gần 30 triệu đồng”, ông Tư phấn khởi nói.
Theo ông Tư, sau gần 3 năm triển khai, mô hình nuôi heo Lũng Pù cho thấy sự thích nghi tuyệt vời với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Heo phát triển nhanh, có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt, ít khi bị bệnh.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Tư đã chủ động phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Cụ thể, thức ăn chăn nuôi có thành phần chủ yếu là các loại thực phẩm sạch, thân thiện môi trường như rau lang, chuối, cám gạo, cám ngô…
Tương tự, gia đình chị Chamaléa Thị Điểu cũng đang có những thành công ban đầu với mô hình nuôi heo Lũng Pù. Sau hơn 1 năm triển khai, cặp heo giống của gia đình đã sinh sản được 2 lứa, mỗi lứa 6-7 con.
Được sự vận động của chính quyền và tổ hợp tác chăn nuôi xã Phước Đại, heo con sau khi sinh 6 tháng, gia đình chị Điểu chủ động bán lại cho các hộ chăn nuôi khác tại địa phương để nhân giống.
Giống như các hộ tham gia mô hình, chị Điểu cũng áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ, thân thiện môi trường. Bên cạnh thức ăn chăn nuôi sạch, nguồn chất thải cũng được chị Điểu thu gom, xử lý đúng theo quy định, vừa tận dụng làm phân ủ hoai để phục vụ trồng trọt, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục nhân rộng
Theo UBND xã Phước Đại, với sự đồng hành của địa phương và đóng góp của các HTX, tổ hợp tác, mô hình chăn nuôi lợn Lũng Pú đang cho thấy tiềm năng rất lớn, mang lại giá trị kinh tế cao.
![]() |
Mô hình sẽ tiếp tục được xã nhân rộng do có hiệu quả kép về kinh tế, môi trường (Ảnh TL). |
Đến nay, toàn xã đang có trên 100 con heo nái chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu heo giống cho người dân trên địa bàn. Theo tính toán, bình quân mỗi hộ nuôi 3 con heo nái, giữ lại toàn bộ heo con để nuôi, sẽ cho thu nhập 60 – 75 triệu đồng/năm.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp xã Phước Đại dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, nhân rộng thêm các hộ nuôi mới, đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ có tổng đàn heo nái khoảng 200 con, đáp ứng nhu cầu heo giống chất lượng cao cho các hộ chăn nuôi.
Xã cũng sẽ chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh, huyện để giữ lại nguồn giống F1 chất lượng cao, tránh tình trạng thoái hóa, dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm. Đây là tiền đề để xã xúc tiến xây dựng thương hiệu “thịt heo Lũng Phù Phước Đại”.
Cũng trong thời gian tới, xã sẽ hỗ trợ các tổ hợp tác “lên đời” HTX để nâng cao nội lực sản xuất, thu hút thêm các thành viên, từ đó gia tăng sức cạnh tranh, thu hút các đối tác tiêu thụ có uy tín, đưa sản phẩm đến các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, qua đó đảm bảo giá trị bền vững cho người chăn nuôi.
Nhật Minh