Những thay đổi trong chính sách đầu tư đang giúp diện mạo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận ngày càng khởi sắc. Hoang mạc, bãi cát trắng chạy dài năm xưa giờ đã được thay thế bằng vườn nho, vườn táo cho mùa quả ngọt và nhất là màu xanh của hàng chục héc ta măng tây.
Thành quả từ đầu tư bài bản
Anh Nguyễn Văn Trinh là người tiên phong trồng cây măng tây ở phường Đông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm. Năm 2009, anh bắt đầu trồng 500 m2 măng tây theo mô hình VietGAP trên vùng đất cát, quanh năm hạn hán.
Hành chục héc ta măng tây xanh VietGAP đang cho hiệu quả cao ở Ninh Thuận (Ảnh TL) |
Sau thời gian thử nghiệm, thấy được sự ưu việt của cây măng tây xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, anh Trinh đã chuyển đổi toàn bộ diện tích rau màu còn lại sang trồng măng tây và hiện có tổng cộng 2 ha.
Với sản lượng 100 kg/ngày, giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, anh Trinh đã trở thành tỷ phú "chân đất" ở vùng đất cát đầy nắng gió.
Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao mà gia đình ông Hùng Ky - người sáng lập HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước đã thoát nghèo và làm giàu từ nông nghiệp.
Trên tổng diện tích hàng chục héc ta măng tây, để giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, ông Hùng Ky và các thành viên HTX Tuấn Tú đã áp dụng mô hình tưới tiết kiệm phun mưa, phun tia, nhỏ giọt.
Trong năm 2019, tổng sản lượng măng tây của HTX Tuấn Tú đạt gần 52 tấn, tăng 19,5 tấn so với năm 2018. Sản phẩm măng tây xanh của HTX được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua toàn bộ trị giá trên 2,595 tỷ đồng, với giá bán 50.000 đồng/kg.
Triển khai nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh năm 2020, HTX Tuấn Tú tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng măng tây xanh lên 45ha, phấn đấu đạt sản lượng 65 tấn, đạt doanh thu 3,2 tỷ đồng, tăng lợi nhuận hoạt động kinh doanh đạt 250 triệu đồng.
Hiệu quả bảo vệ môi trường
Để nâng cao giá trị sản phẩm, hiện HTX Tuấn Tú đẩy mạnh sản xuất măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh công nghệ vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu (Ảnh TL) |
Ông Hùng Ky chia sẻ: “Sống ở một vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, hạn hán triền miên, tôi và các thành viên HTX Tuấn Tú hiểu rõ giá trị của việc phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái”.
Theo đó, HTX Tuấn Tú luôn chú trọng mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại… có nguy cơ gây ô nhiễm.
Trong quá trình sản xuất, các hộ sản xuất của HTX luôn chú trọng ứng dụng công nghệ để tiết kiệm nước, thu gom xử lý rác thải đúng cách để bảo vệ môi trường.
Thực tế, đa phần các mô hình nông nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện đều có sự đầu tư thích đáng cho công nghệ cao và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đơn cử, toàn tỉnh đã hình thành được 31 nhóm liên kết với 289 hộ tham gia trồng 74 ha nho theo tiêu chuẩn VietGAP, hầu hết sử dụng mô hình tưới nước tiết kiệm và áp dụng máy móc vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, tương lai tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng các loại cây đặc thù, có lợi thế, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, mở hướng phát triển bền vững cho người dân.
Nhật Minh