Các HTX, tổ tự quản BVMT đã phát huy vai trò của mô hình của kinh tế hợp tác trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT, đồng thời thúc đẩy kinh tế xã hội ngày càng phát triển.
Trên địa bàn cả tỉnh Phú Thọ hiện có 427 HTX, trong đó có 7 HTX chuyên về môi trường và nhiều HTX nông nghiệp có dịch vụ về môi trường.
Cải thiện môi trường
Những HTX, tổ hợp tác (THT) về môi trường đã và đang hoạt động hiệu quả, điển hình như: HTX Nông nghiệp và Điện năngVĩnh Lại; HTX Nông nghiệp và Điện năng Thạch Vỹ (Lâm Thao); Tổ thu gom rác thải Hoàng Xá (Thanh Thủy), Tổ môi trường Phương Xá (Cẩm Khê)…
Các HTX, tổ vệ sinh môi trường (VSMT) đã bước đầu khơi dậy và nâng cao ý thức cộng đồng dân cư, từng bước xã hội hóa công tác BVMT và xây dựng mô hình dịch vụ mới trong địa phương, nhất là vùng nông thôn, góp phần quan trọng vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài việc tham gia tích cực vào bảo vệ và làm sạch môi trường, các HTX dịch vụ môi trường còn góp phần tạo việc làm cũng như thu nhập ổn định và bảo đảm đời sống cho nhiều lao động.
Hiện nay, các thành viên HTX Vĩnh Lại có thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, người lao động trong HTX còn được đóng đầy đủ chế độ BHXH, bảo hộ lao động…
Bằng công tác tuyên truyền, các HTX, tổ VSMT đã gắn kết được số đông người dân từ những thôn, xóm, khu vực nông thôn; huy động và phát huy được tối đa sức mạnh tập thể trong công tác BVMT. Nhờ hoạt động của các HTX, tổ VSMT mà ý thức người dân đã có những chuyển biến tích cực trong BVMT.
Mô hình xây bể chứa vỏ thuốc BVTV của HTX nông nghiệp và điện năng xã Thạch Vỹ đã giúp tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã giảm đáng kể. Trên cánh đồng, không còn tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi, đặc biệt là các loại vỏ thuốc BVTV, phân bón.
Bà Nguyễn Thị Diệp (xã Thạch Vỹ) chia sẻ: “Lâu nay, chúng tôi có thói quen phun thuốc BVTV rồi bỏ vỏ chai, bao bì ra các bờ ruộng, kênh mương mà chưa chú ý đến việc thu gom và xử lý. Sau khi các bể thu gom của HTX Thạch Vỹ đưa vào sử dụng, tôi cùng người dân trong khu không vứt bừa bãi như trước mà tập trung cho vào bể. Có bể thu gom ngay tại đồng ruộng rất tiện mà VSMT cũng an toàn, sạch sẽ hơn”.
Công nhân HTX Thanh Bình (Thanh Thủy) phân loại rác trước khi cho vào lò đốt |
Còn nhiều khó khăn
Từ thực tế hoạt động của các HTX dịch vụ môi trường, THT tự quản về môi trường trong thời gian qua, có thể nói các HTX môi trường, tổ tự quản về môi trường đã góp phần tích cực trong công tác BVMT trên địa bàn dân cư ở các vùng nông thôn, thị trấn, thị tứ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội - công ích thiết thực.
Đây là mô hình dựa vào cộng đồng, phục vụ cộng đồng được nhân dân ủng hộ, chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, sử dụng lao động tại chỗ, phát huy sức mạnh của cộng đồng nên rất cần được nhân rộng.
Tuy nhiên, tỷ lệ các HTX, tổ VSMT triển khai phân loại rác tại nguồn, chế biến rác, sử dụng rác làm nguyên liệu sản xuất nhằm phát triển kinh tế chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải. Hoạt động của các HTX còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Các HTX, đặc biệt là các tổ VSMT còn thiếu nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động VSMT vẫn chủ yếu là thủ công (thu gom, chôn lấp) nên tính bền vững không cao.
Để các HTX, tổ VSMT hoạt động hiệu quả, việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, sở, ngành, địa phương có vai trò quan trọng nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho BVMT và từng bước tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình hoạt động được kịp thời.
Nâng cao nhận thức về công tác BVMT và tiếp tục củng cố, nhân rộng mô hình HTX môi trường trên địa bàn dân cư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng trong công tác BVMT; quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển các HTX môi trường thông qua việc đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động, công nghệ; tranh thủ các nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực BVMT…
Như Yến