Nuôi ong là một nghề không phải sử dụng đất đai, lao động nhẹ nhàng, phù hợp với mọi lứa tuổi và giới tính. Từ vốn góp ban đầu của các thành viên, HTX Nam Phưọng đã giúp người dân xóa bỏ tập quán nuôi ong tự phát, từng bước nâng cao chất lượng mật ong, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Mở rộng quy mô, thay đổi tập quán
Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu lớn trong khu vực có nhiều rừng cây và đồi cây ăn quả ở địa phương, HTX đã từng bước mở rộng quy mô nuôi ong, vừa chuyển đổi giống ong, vừa phổ biến cho các thành viên áp dụng KH-KT chăn nuôi và cung cấp dịch vụ vật tư, con giống, kỹ thuật nuôi ong cho thành viên.
Từ 2 đàn ong ban đầu, tính đến hết tháng 6/2018, HTX đã sở hữu quy mô 625 đàn. Nhờ quy trình nuôi ong khoa học, làm tốt công tác phân phối sản phẩm đến với người tiêu dùng nên sản phẩm của HTX đã xây dựng được thị trường ổn định, có sức cạnh tranh cao.
HTX là đầu mối thu mua và tiêu thụ mật ong cho các hộ thành viên và một số cơ sở nuôi ong trong tỉnh và tỉnh lân cận. Vì vậy, doanh thu từ nuôi ong mật của HTX ngày càng tăng qua các năm.
Ngoài việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng điều hành, quản lý HTX, thành viên được tiếp cận với tiến bộ KH-KT, có kiến thức để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Hoạt động sản xuất của HTX đã góp phần tích cực trong giảm thiểu tác động tiêu cực của cộng đồng địa phương đến tài nguyên rừng thông qua thay đổi tập quán khai thác mật ong và phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng bền vững.
Nằm giáp vùng đệm của rừng Sốp Cộp, nguồn thực vật phong phú nên đàn ong của HTX bảo đảm nguồn thức ăn tự nhiên và không phải di chuyển như đàn ong ở các vùng khác.
Cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho 45 hộ thành viên HTX |
Bảo vệ đa dạng sinh học
Mật ong do HTX làm ra có màu sắc tự nhiên, mùi thơm, vị ngọt; hàm lượng đường trong mật cao, nên đã đăng ký tiêu chuẩn chất lượng “Mật ong rừng Sốp Cộp”. Đây là nền tảng để sản phẩm của HTX chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Nuôi ong khoa học đã tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương. Với giá thu mua hiện tại là 120.000 đồng/kg mật đã mang lại thu nhập trung bình 10 - 40 triệu đồng/năm/hộ. Với vốn đầu tư ban đầu không nhiều, nhờ tận dụng diện tích rừng cây mà nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo.
Trong khi nuôi, ong mật đã đồng thời thụ phấn làm tăng năng suất và chất lượng cho các cây ăn quả, cây rau và nhiều cây trồng khác. Hơn nữa ong mật còn thụ phấn cho cây rừng và các cây bản địa khác góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Sản lượng mật ong liên quan mật thiết đến nguồn cây để ong thụ phấn. Chính vì vậy, thông qua các buổi tập huấn cũng như hiệu quả kinh tế, các hộ nuôi ong đã sớm nhận ra rằng thành công trong việc nuôi ong của họ phụ thuộc vào việc trồng và bảo vệ rừng. Nuôi ong vì vậy góp phần làm giảm tình trạng chặt, phá, đốt rừng, từ đó bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Đến nay, HTX đã thu hút được 45 thành viên nuôi ong. Các thành viên giờ đây đã nắm vững các kỹ thuật nuôi, chăm sóc ong, khai thác mật, cũng như phương pháp sang thùng ong, chia đàn ong, kiểm tra, đánh giá đàn ong...
Nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và phát triển thương hiệu mật ong rừng địa phương, HTX tiếp tục đầu tư vốn, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và duy trì giống ong mật bản địa.
“Phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, HTX không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng HTX ngày càng phát triển vững mạnh”, ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX, cho biết.
Như Yến