Xây dựng cánh đồng lớn được HTX Bình Đào thực hiện từ năm 2015. Nhưng để có được diện tích đất tập trung phát triển sản xuất là cả quá trình, từ việc vận động nhân dân đến việc quy hoạch, tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả.
Đến nay, Bình Đào đã gặt hái được trái ngọt, khi góp phần không nhỏ nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong nông nghiệp tại địa phương.
Hiệu quả kép
Ông Huỳnh Kim Thanh - Phó Giám đốc HTX Bình Đào, cho biết qua 3 năm triển khai, đến nay, HTX đã dồn điền đổi thửa, quy hoạch được cánh đồng lớn rộng 20 ha, có hệ thống kênh tưới, tiêu bảo đảm, đường nội đồng bao quanh. Người dân đã nhận đất và tổ chức sản xuất lúa, đậu phộng (lạc)… trên diện tích đất nông nghiệp thuộc vùng dồn điền và được doanh nghiệp (DN) bao tiêu đầu ra.
Để làm được điều đó, HTX đã thuê đất và liên kết với gần 250 hộ dân thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất.
Trước đây, những mảnh ruộng này chỉ cho thu hoạch vài chục kg thóc/sào với giá bán vài trăm nghìn, trừ chi phí sản xuất, người dân không có lãi. Khi thực hiện mô hình cánh đồng lớn, việc sử dụng máy móc đồng bộ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật… thuận tiện hơn đã giúp năng suất cây trồng tăng cao hơn.
Hiện, năng suất lúa bình quân của các thành viên đạt 60,5 tạ/ha, tăng 5,5 tạ/ha, trong khi DN thu mua luôn bảo đảm giá có lãi cho người dân.
Ngoài ra, chi phí đầu vào cũng tiết kiệm được 50% giống, giảm chi phí khâu làm đất và khâu thu hoạch 2,5 - 2,7 triệu đồng/ha. Thu nhập của người dân được nâng cao.
Không dừng lại ở đó, hiệu quả về xã hội và môi trường cũng được nhìn nhận rõ ràng hơn, như: Ý thức của người dân trong tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa được nâng cao, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học đã giảm đáng kể, tình trạng vứt bao túi thuốc BVTV xuống kênh mương nội đồng đã không còn.
Từ đó mối liên kết giữa người dân với HTX và DN được đề cao, môi trường nông thôn và môi trường sản xuất nông nghiệp được cải thiện.
Cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa của HTX |
Mở rộng diện tích
Theo ông Huỳnh Kim Thanh, để thực hiện hiệu quả vấn đề tích tụ ruộng đất, HTX phải tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều địa phương khác, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã, xóm và DN để thay đổi nhận thức của người dân.
Trước đây, nhận thức của đa số hộ dân trong vùng quy hoạch còn hạn chế, sợ bị ảnh hưởng quyền lợi, sợ mất đất sản xuất nên HTX phải vận động nhiều lần, đồng thời tổ chức một số chuyến tham quan để người dân tận mắt thấy được hiệu quả của mô hình cánh đồng lớn.
Bình Đào đang phấn đấu đến năm 2020 thực hiện dồn điền đổi thửa thêm 2 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 30 - 35 ha, đưa mô hình tích tụ rộng đất lên khoảng 80 ha.
HTX cũng chủ động làm việc với các DN để xác định cụ thể diện tích sản xuất và cơ cấu cây trồng nhằm tránh tình trạng khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu sản phẩm. Việc củng cố, bổ sung nguồn lao động bảo đảm về số lượng, chất lượng cũng được HTX quan tâm khi giao việc cụ thể cho từng thành viên vận động nhân dân tham gia và tổ chức thực hiện.
Tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã giúp Bình Đào “hồi sinh” diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Đây cũng là biện pháp hiệu quả để HTX thu hút thêm DN đầu tư vốn, đưa máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng KH-KT vào sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Tích tụ ruộng đất là một chủ trương hoàn toàn đúng và phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay, chính vì vậy, HTX tiếp tục mở rộng diện tích tập trung, tích tụ ruộng đất theo lộ trình”, ông Huỳnh Kim Thanh cho biết.
Như Yến