Tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên, Hòa Bình đang tập trung nâng cao diện tích cây có múi và cây ăn lá theo hướng hữu cơ.
Theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có gần 6.700 ha diện tích cây có múi, 12 nghìn ha rau. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ là 35 ha, trong đó, 14,6 ha được cấp chứng nhận hữu cơ, tập trung chủ yếu tại hai huyện Lương Sơn và Tân Lạc…
Những địa chỉ xanh
Mô hình trồng cây ăn quả và cây ăn lá theo hướng hữu cơ khi thay thế thuốc BVTV hóa học bằng thuốc có nguồn gốc sinh học được Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh triển khai đã mang lại những kết quả khả quan.
Trong đó, mô hình sản xuất rau hữu cơ tại HTX nông sản hữu cơ Lương Sơn (huyện Lương Sơn) đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và là một trong những sản phẩm nằm trong danh sách “địa chỉ xanh” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham gia sản xuất rau hữu cơ, các thành viên được hướng dẫn thay thế hoàn toàn phân bón và thuốc BVTV hóa học bằng thuốc sinh học. Nhờ đó, diện tích rau không bị bệnh, phát triển ổn định, ít sâu bệnh. Hiện nay, năng suất sản xuất của HTX trung bình là 160 tấn/năm, tổng giá trị là 2 tỷ đồng/năm.
Mô hình trồng cam hữu cơ của HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (huyện Kim Bôi) đã được Tập đoàn Vingroup kí hợp đồng bao tiêu khi vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển…
Phương pháp trồng cam hữu cơ của HTX đã góp phần xây dựng nền nông nghiệp không hóa chất, làm ra những sản phẩm sạch.
HTX Mường Động hay HTX Lương Sơn chỉ là hai HTX tiêu biểu tại Hòa Bình thành công trong việc sản xuất theo hướng hữu cơ. Kết quả không chỉ dừng ở việc nâng cao lợi nhuận cho các thành viên, người dân mà hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác này còn quản lý được sâu bệnh hại, hạn chế khả năng bùng phát dịch bệnh, làm giảm sự thoái hóa đất, giống cây và giúp sản phẩm đạt chất lượng cao hơn.
Những thành viên, hộ dân áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ thấy rõ hiệu quả nên tiếp tục áp dụng kết hợp với mở rộng diện tích.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường là đích đến mà ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình hướng tới trong thực hiện tái cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi. |
Mở rộng xây dựng thương hiệu
Việc xây dựng các mô hình HTX, THT sản xuất theo hướng hữu cơ và phát triển theo hướng liên kết chuỗi để quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của Hòa Bình hiện nay.
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Hòa Bình, cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã chú trọng tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách và chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo kiểm soát tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn.
Việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, từng bước hạn chế sử dụng thuốc BVTV, chất bảo quản, giống biến đổi gen… để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn mà sản phẩm kém chất lượng có thể mang lại, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường là đích đến mà ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình hướng tới trong thực hiện tái cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi.
Bên cạnh việc phát triển những thương hiệu đã có, tỉnh đang tích cực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh khác như rau Kim Bôi, gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, bưởi đỏ, bưởi da xanh Tân Lạc…,
Để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, ngoài tăng cường xúc tiến thương mại, tỉnh Hòa Bình đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp tiềm lực tham gia sản xuất, chế biến để khẳng định các thương hiệu nông sản trên thị trường trong và ngoài nước.
Như Yến