Với vai trò là hạt nhân của làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, HTX Văn Khúc đã không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào một số công đoạn làm bánh, vừa giải phóng sức lao động, vừa giảm ô nhiễm môi trường mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Mạnh dạn đầu tư
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại loại bánh chưng nổi tiếng như bánh chưng gù Hà Giang, bánh chưng làng Bạc (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), bánh chưng Bờ Đậu (Phú Lương, Thái Nguyên)… Tuy nhiên, bánh chưng Tranh Khúc lại mang hương vị riêng không lẫn với các vùng miền khác, ai ăn rồi vẫn còn nhớ mãi.
Khi được hỏi về bí quyết làm bánh, ông Nguyễn Đăng Ngữ - Giám đốc HTX Văn Khúc, đúc kết bằng một chữ “sạch”. “Gạo đãi sạch, ngâm 1,5 tiếng thôi. Ngâm ít hơn thì không ngon, mà ngâm nhiều hơn thì chua. Thịt chuẩn phải là ba chỉ loại ngon. Mỗi bánh cần khoảng 3 lạng thịt. Đỗ đãi sạch vỏ, đồ chín, nặn thành viên nửa lạng. Lá dong phải rửa thật sạch sẽ, phơi khô. Lá bẩn thì chỉ vài ngày là bánh mốc”, ông Ngữ chia sẻ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và bảo vệ môi trường (BVMT), HTX Văn Khúc đã đầu tư nồi điện hơi nước để phục vụ công đoạn luộc bánh.
Tuy số vốn đầu tư ban đầu khá lớn (khoảng 100 triệu đồng/hệ thống đun hơi) nhưng điều nhận thấy đầu tiên là các thành viên HTX bớt vất vả, đáp ứng được nhu cầu thị trường (ngày thường khoảng 200 - 300 chiếc; ngày lễ, Tết khoảng 2.000 - 3.000 chiếc).
Bên cạnh đó, ưu điểm về môi trường cũng là thế mạnh giúp HTX tiếp tục phát triển bền vững, đáp ứng được các yêu cầu về ATVSTP. Những nồi hơi sử dụng điện để luộc bánh thay cho cách luộc bánh bằng than, củi như trước nên không phát sinh khói bụi làm ô nhiễm môi trường.
Để bảo quản bánh chưng được lâu hơn, phục vụ cho những đơn hàng xuất vào siêu thị hoặc xuất đi nước ngoài, HTX đã sử dụng công nghệ hút chân không. Bánh sau khi được hút chân không sẽ được dán mã vạch, đóng gói và có thể kéo dài thời gian bảo quản 10 - 15 ngày.
Để những chiếc bánh chưng được khách hàng khó tính chấp nhận, điều đầu tiên HTX quan tâm chính là bảo đảm vệ sinh, sau đó đến hương vị. Tất cả các nguyên liệu được HTX sử dụng đều có nguồn gốc, xuất xứ, do bạn hàng lâu năm cung cấp.
Hàng năm, HTX cũng tạo điều kiện để các thành viên tham gia các lớp tập huấn về ATVSTP, đồng thời kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất bánh của các hộ thành viên… để bảo đảm chất lượng và nâng cao ý thức sản xuất của các thành viên.
![]() |
Nhờ bánh chưng, HTX “ăn nên làm ra” |
Đáp ứng thị trường
“Xác định nghề làm bánh chưng mang lại thu nhập chính, mỗi thành viên luôn tự ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm để bảo đảm chất lượng cũng như thương hiệu của HTX”, chị Nguyễn Thị Nhung - thành viên HTX, cho biết.
Với kỹ năng điêu luyện, đến nay, hầu hết các thành viên HTX đều gói bánh bằng tay chứ không gói theo khuôn nhưng thành phẩm vẫn rất vuông, thơm, ngon, xanh rền và để “cả tuần cũng không mốc”. Bánh chưng của HTX Văn Khúc hiện đáp ứng 50 - 60% nhu cầu thị trường khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Sản phẩm “Bánh chưng Tranh Khúc” ngày càng tạo thêm được niềm tin cho khách hàng nhờ quy trình sản xuất bài bản, xây dựng chặt chẽ quy chế cho thành viên.
Hiện, bánh chưng của HTX đã được cấp chứng nhận VSATTP, cấp logo, mã vạch riêng, vì vậy khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Đăng Ngữ, cứ qua rằm tháng Chạp, người người đổ về Tranh Khúc đặt bánh chưng. Đến khoảng 25 tháng Chạp, các thành viên HTX đều không nhận thêm đơn hàng mới vì làm không xuể. Dịp Tết năm nào, mỗi hộ thành viên đều có 2 - 3 nồi điện “đỏ lửa” liên tục để kịp hàng cho khách.
Với truyền thống, kinh nghiệm, kết hợp cùng sự đầu tư, đổi mới, HTX Văn Ngữ đang là địa chỉ được chính quyền và người dân địa phương giới thiệu cho khách khi muốn tìm hiểu nghề gói bánh chưng của địa phương.
Như Yến