Không ai nhớ rõ nguồn gốc của món lạp sườn tại Cao Bằng, nhưng theo các cụ cao niên, có lẽ món lạp sườn bắt nguồn từ những ngày còn khó khăn.
Thuở ấy, mỗi năm gia đình chỉ thịt một con lợn, dùng làm nhân gói bánh chưng và một ít dành làm cỗ Tết. Số thịt còn lại vì không để được lâu nên những người đi trước đã nghĩ ra cách chế biến thành lạp sườn để bảo quản được lâu.
Đăng ký thương hiệu
Tự nhận bản thân đam mê kinh doanh, bà Nguyễn Thanh Tâm - một nhân viên của Bưu điện tỉnh Cao Bằng, đã quyết định rời cơ quan nhà nước để về kinh doanh lạp sườn - mặt hàng đặc sản của quê hương.
Suốt nhiều năm đầu, sản phẩm bán ra thị trường không nhiều. Mãi đến năm 2007, qua một lần tình cờ, bà Tâm nhận thấy rằng muốn việc kinh doanh phát triển thì sản phẩm phải có thương hiệu để khẳng định với người tiêu dùng.
Nhưng sau khi ra đời "Lạp sườn Tâm Hòa" lại đối diện nhiều khó khăn. Hai năm tiếp theo, sản phẩm Tâm Hòa dù đáp ứng được nhu cầu ở thị trường trong tỉnh nhưng ngoài tỉnh vẫn "nhỏ giọt" khách quen. Không ai biết, chính việc kiên trì phục vụ bằng sản phẩm chất lượng mang tên Tâm Hòa với số ít đó đã dần khẳng định giá trị thương hiệu trong lòng người phương xa.
Tháng 6/2012, bà chủ của thương hiệu Tâm Hòa quyết định thành lập HTX Tâm Hòa (124 Vườn Cam, phường Hợp Giang, Tp.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) với mong muốn đưa cả đặc sản của người nông dân Cao Bằng ra thị trường.
Ban đầu, số vốn pháp định của HTX là 1 tỷ đồng với 12 thành viên, ngành nghề đăng ký kinh doanh chủ yếu là dịch vụ, chế biến và kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Sau khi được thành lập, sản phẩm thương hiệu Tâm Hòa được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nhờ đó, HTX Tâm Hòa từng bước tạo được uy tín với khách hàng, được mời tham dự các hội chợ thương mại quốc tế, hội chợ triển lãm vùng, hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước, như Hội chợ Thương mại với Trung Quốc, Hội chợ ASEAN - Ấn Độ lần thứ 2 (IABF 2012) tổ chức tại Ấn Độ.
Đến nay, bà Tâm đã mở rộng quy mô hoạt động của HTX với 3 đại lý lớn ở Cao Bằng cùng 21 đại lý toàn quốc. Sản phẩm lạp sườn Tâm Hòa cũng được lên "kệ" tại chuỗi siêu thị BigC trên cả nước cùng hàng loạt siêu thị khác như Vincom Bà Triệu, Fivimart Gia Lâm… (Hà Nội).
![]() |
Thương hiệu Tâm Hòa đã dần khẳng định giá trị trong lòng người tiêu dùng |
Đặc sản địa phương vươn toàn quốc
Theo bà Tâm, cách làm lạp sườn nhìn thì đơn giản nhưng khá cầu kỳ, nếu làm không đúng cách, lạp sườn sẽ nhanh bị hỏng.
Để làm được lạp sườn ngon, khâu đầu tiên là sơ chế phần vỏ lạp sườn. Phần vỏ này dùng ruột non được làm sạch, bóp muối, dấm rồi ướp bằng rượu trắng. Ruột non được làm sạch là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng của lạp sườn sau này.
Cùng với đó, khâu chọn thịt cũng chiếm một phần quan trọng. Thịt được chọn phải là thịt nóng (lợn vừa mổ xong) và là loại thịt lợn vai, nửa nạc nửa mỡ. Thịt nạc phải có màu đỏ thẫm, mỡ trắng trong, bóng, bì mỏng và một màu. Thịt sẽ được chế biến và trộn, tẩm ướp cùng các loại gia vị, cùng một chút rượu trắng để lên men.
Đặc biệt, lạp sườn Tâm Hòa nổi tiếng là nhờ cách điều chế tỷ lệ nguyên liệu, nhất là các loại gia vị mang đậm hương vị cây rừng như gừng núi, hạt tiêu rừng, mắc mật, quế, thảo quả... tạo nên mùi thơm đặc trưng cho lạp sườn Tâm Hòa.
Thịt được chuẩn bị xong được nhồi vào lòng non, được khoảng 20, 30 cm thì buộc lại thành khúc. Nhồi xong thì đem lạp sườn đi phơi nắng cho khô dần và đem hong trên gác bếp.
Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như Liên minh HTX tỉnh, hiện nay HTX đã đầu tư nhiều máy móc để một số công đoạn chế biến lạp sườn được chuyên nghiệp hóa hơn.
Thịt sau khi tẩm ướp được cho vào máy trộn đều và để 1 - 2 tiếng cho ngấm gia vị, sau đó được nhồi vào lòng non bằng một máy nhồi thịt nên nhanh hơn, năng suất cao hơn và đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lạp sườn nhồi xong không phải chờ phơi nắng mà được đưa ra lò sấy và hun khói. Khi sấy khô đến độ phù hợp, lạp sườn được đóng gói bao bì, hút chân không, thời gian sử dụng lên tới 6 tháng kể từ ngày sản xuất.
Bên cạnh đó, các thành viên HTX còn được tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, được liên kết với các công ty, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thương mại hội nhập… giúp HTX bán được nhiều hàng hơn, doanh thu tăng và ngày càng tạo được niềm tin với thành viên.
Hàng năm, doanh thu của HTX đạt trung bình trên 10 tỷ đồng, tạo việc tạo việc làm cho 30 lao động, với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Thương hiệu "Lạp sườn Tâm Hòa" cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá, như Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia, Cúp sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia…
Hồng Nhung