Hiện nay, toàn tỉnh Kon Tum có 68 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 1.368 thành viên; trong đó có 66 HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Có khoảng 60% số HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có tích luỹ vốn và thực hiện tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước khẳng định được uy tín trên thị trường.
Hướng đi đúng
Thành lập từ năm 2007 với 7 thành viên, HTX Đoàn Kết (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng, khai thác mủ cao su. Nhưng đến năm 2014, nắm bắt xu hướng của thị trường, HTX quyết định chuyển hướng sang sản xuất trái cây sạch.
Toàn bộ vườn cây ăn quả của HTX Đoàn Kết được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP |
Ông Nguyễn Văn Xuân - Giám đốc HTX cho biết: "Nhận thấy nhu cầu trái cây sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng, trong khi trên địa bàn chưa có ai phát triển mô hình này, vì vậy, chúng tôi đã quyết định trồng thử nghiệm". Sau một thời gian, nhiều loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất cao, vì vậy HTX đã mở rộng quy mô sản xuất.
Đến nay, HTX đã có hơn 15ha cây ăn quả, bao gồm cam, bưởi, quýt, ổi, na Thái, sầu riêng, dưa lê, dưa lưới... Quy trình sản xuất được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ; từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc đều theo tiêu chuẩn sạch hoàn toàn. HTX không dùng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Nhật Bản; hệ thống nước tưới được đầu tư bài bản, phun tưới tự động...
Sản phẩm của HTX có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm độ an toàn tuyệt đối nên tiêu thụ tốt, hiện chỉ đủ cung ứng cho thị trường huyện Sa Thầy và một vài địa phương lân cận. Được biết, HTX đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm vươn tới những thị trường lớn hơn.
Cũng chung hướng đi là sản xuất sạch như HTX Đoàn Kết, HTX Thần Nông (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường với các sản phẩm nông sản sạch, như ổi, bơ, sầu riêng, thanh long ruột đỏ... Toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ cao tưới phun mưa tự động.
Nhờ quy trình sản xuất được quản lý, kiểm soát chặt chẽ nên các sản phẩm của HTX đã được Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 2 (Bộ NN&PTNT) chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Phạm Văn Khiêm - Giám đốc HTX cho biết tất cả các thành viên tham gia HTX đều phải cam kết thực hiện sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, không dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện, tổng diện tích sản xuất của HTX hơn 33ha, trong đó, diện tích của các thành viên là 25ha, diện tích sản xuất chung của HTX là hơn 8,5ha, chủ yếu trồng thanh long ruột đỏ, mít Thái, bơ, sầu riêng...
Hình thành chuỗi liên kết
Khi tìm được hướng đi đúng đắn là sản xuất sạch, mục tiêu các HTX hướng đến là tìm đầu ra cho sản phẩm. Các HTX đã chủ động liên doanh, liên kết tương đối đa dạng, như liên kết giữa nông dân với HTX; HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp; HTX với HTX...
Việc liên kết được thực hiện trong nhiều khâu, từ cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Điều đó mang lại giá trị bền vững cho sản phẩm của người dân và sự phát triển của HTX.
Nhờ liên kết với 104 hộ dân có tổng diện tích cà phê là 300ha, HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) đã hình thành được chuỗi giá trị cà phê. Toàn bộ diện tích của HTX được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, được áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Các sản phẩm của HTX đều được quản lý, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký thương hiệu, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã số, mã vạch. Hiện, sản phẩm cà phê của HTX được thị trường ưa chuộng và có mặt trên toàn quốc.
Việc liên kết trong sản xuất đang thúc đẩy các HTX phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Từ đó, từng bước hình thành chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa ở các địa phương trong tỉnh, đồng thời tạo ra giá trị thu nhập cao hơn cho thành viên. Những sản phẩm sạch của một số HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang tìm được chỗ đứng trên thị trường, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động và các thành viên HTX.
Thu Huyền