OCOP (chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm) được khởi phát từ năm 2013. Tại tỉnh Phú Thọ, OCOP được xây dựng dựa trên các sản phẩm của làng nghề, HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, với 3 nhóm chính, gồm thực phẩm, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ - du lịch.
Đồng hành với NTM
Cẩm Khê là địa phương được đánh giá có nhiều sản phẩm địa phương đa dạng, có tính đặc thù. Triển khai chương trình OCOP từ nhiều năm nay, huyện xác định các sản phẩm chủ lực để triển khai chương trình, trong đó, định hướng chủ yếu nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ lưu niệm - trang trí - nội thất.
Có thể kể đến hàng loạt các sản phẩm chủ lực của huyện như: Cá chép đỏ Thủy Trầm, mộc Dư Ba (xã Tuy Lộc), chè Đá Hen (xã Đồng Lương), bánh chưng Cát Trù (xã Cát Trù); mỳ bún Hiền Đa (xã Hiền Đa); nón lá, rau an toàn (xã Sai Nga); đan lát (xã Tùng Khê)…
Sự đầu tư mạnh mẽ cho OCOP góp phần thúc đẩy nông thôn mới (NTM) của huyện phát triển. Minh chứng là hầu hết các xã có thực hiện OCOP đều đã về đích NTM, như xã Cát Trù, Hiền Đa, Sai Nga, Phương Xá, Tình Cương…
Đến nay, toàn huyện Cẩm Khê đã đạt tổng cộng 430 tiêu chí NTM, bình quân 14,3 tiêu chí/ xã, có 14 khu dân cư đạt chuẩn NTM, đời sống kinh tế, xã hội của người dân địa phương ngày càng được nâng lên. Năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 6 xã về đích NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 11.
Tương tự, tại Tp.Việt Trì, chương trình OCOP cũng được chú trọng, với sự tham gia của các HTX. Điển hình như HTX Hùng Lô với sản phẩm mì gạo, phở khô, bún khô.
Nhờ chủ động đổi mới, nâng cấp công nghệ, tự hoàn thiện mình, sản phẩm của HTX đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, kết nối thành công đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, phát triển thương hiệu địa phương.
Sự đầu tư phát triển sản phẩm OCOP tại Phú Thọ đang góp phần thúc đẩy NTM |
Nâng cao hiệu quả OCOP
Cũng như chương trình xây dựng NTM, OCOP cần quá trình thực hiện, vì vậy việc triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh sẽ phải đối diện với nhiều thách thức.
Để thúc đẩy OCOP phát triển, ông Vũ Quốc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Thọ, cho biết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các DN, HTX, tổ hợp tác, các làng nghề, cá nhân phát triển sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa… giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh vươn tầm”.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các thành phần kinh tế, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai, tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; ưu tiên các chính sách để các đơn vị, DN, HTX tham gia OCOP có điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.
Về phía địa phương, tỉnh chỉ đạo tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển sản phẩm đặc thù, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Đẩy mạnh thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng cường hoạt động tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, tạo ra nền tảng vững chắc để hỗ trợ thực hiện OCOP nói riêng và xây dựng NTM, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Thực tế chỉ ra, việc đầu tư cho OCOP có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 93 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 37,7%), bình quân tiêu chí đạt 15 tiêu chí/xã.
Dự kiến hết năm 2019, tỉnh sẽ có 105 xã đạt chuẩn NTM. Mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có thêm ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM; 65% số xã đạt chuẩn NTM.
Nhật Minh