Là địa phương với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, huyện Vĩnh Linh cũng đang tích cực triển khai thực hiện chương trình OCOP với nhiều cách làm, giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Đẩy mạnh thành lập HTX chuyên ngành
Để giúp các xã, thị trấn trên địa bàn hiểu rõ hơn về chương trình OCOP, huyện Vĩnh Linh đã phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh tổ chức tập huấn cho gần 60 cán bộ chủ chốt của địa phương. Trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung như sự cần thiết của việc thực hiện chương trình OCOP, tìm hiểu kinh nghiệm thực hiện OCOP tại một số tỉnh đã triển khai thành công.
Trên cơ sở đó, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, tiềm năng và các sản phẩm hiện có để tổ chức điều tra, đăng ký các sản phẩm, nhóm hàng phù hợp trên các lĩnh vực như nhóm hải sản, dược liệu, hàng mỹ nghệ...
Sau khi triển khai, đến thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn thành khâu đăng ký sản phẩm. Đây cũng là cơ sở để huyện đã hoàn thành danh mục sản phẩm OCOP chủ lực của các địa phương và dự kiến quy hoạch sản phẩm OCOP mới giai đoạn 2018 - 2030.
Trong quá trình triển khai chương trình OCOP, huyện Vĩnh Linh đã tích cực chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích các xã, thị trấn phát triển các sản phẩm chủ lực. Tiêu biểu như tập trung đầu tư mô hình ứng dụng công nghệ cao trong phát triển vườn tiêu mẫu áp dụng kỹ thuật tiên tiến tại xã Vĩnh Kim; triển khai hỗ trợ mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch tại các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Trung...
Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực chỉ đạo các ngành chuyên môn tại địa phương quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa tập thể về nông sản như ném Vĩnh Kim, đậu xanh tằm Vĩnh Giang; dưa hấu Vĩnh Tú, tiêu Vĩnh Linh...
Thanh long ruột đỏ - sản phẩm chủ lực của xã Vĩnh Thủy |
Hỗ trợ HTX mở mang ngành nghề
Cùng với đó, địa phương cũng đã đẩy mạnh việc thành lập các HTX chuyên ngành, như HTX nông sản Tây Vĩnh Thủy (Vĩnh Thủy); HTX rau sạch Trường Sơn (Vĩnh Tú); HTX rau sạch Thành Công (Vĩnh Trung)...
Nhìn chung sau khi thành lập mới, các HTX có quy mô gọn hơn, bộ máy linh hoạt hơn, nguồn vốn đóng góp từ các thành viên cao hơn và hoạt động có hiệu quả hơn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản.
Chương trình OCOP được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn trong toàn quốc với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Theo đó, khi thực hiện OCOP, mỗi xã sẽ chọn một hoặc nhiều sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh trên thị trường để phát triển, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có khá nhiều sản phẩm độc đáo nhưng ít được mọi người biết đến, vì vậy, OCOP sẽ tạo cơ hội làm cầu nối để người sản xuất và người tiêu dùng gắn kết với nhau. Đây là một chương trình rất thiết thực, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT xây dựng một số đề án tiếp tục phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Huyện cũng đang xây dựng chính sách riêng trong việc hỗ trợ tài chính nhằm góp phần giúp các DN, HTX trên địa bàn có thêm nguồn lực để phát triển, mở mang ngành nghề”.
Thanh Lê