Tiềm năng từ nuôi cá nước lạnh nhờ quy trình nuôi an toàn |
HTX cá hồi Thác Vàng Sa Pa đã kết hợp giữa điều kiện tự nhiên và ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nuôi cá hồi vân. Không chỉ sản xuất cá hàng hóa, HTX hiện đang phát triển sản xuất cá giống để chủ động nguồn cá, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Kỹ thuật nuôi cá nước lạnh
Nuôi cá hồi ở độ cao hơn 1.800m so với mực nước biển, mô hình sản xuất của HTX không chỉ tạo lượng hàng hóa an toàn mà còn là điểm tham quan và thưởng thức sản phẩm cá hồi của không ít khách du lịch mỗi khi lên Sa Pa.
Từ sườn núi, HTX san ủi thành các ao từ trên xuống dưới. HTX dùng bạt chống thấm lót đáy; lắp ống nhựa dẫn nước từ khe xuống các ao. Những năm đầu, HTX mua cá hồi giống và thức ăn từ Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Thác Bạc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1) nhằm bảo đảm tốt nhất về chất lượng.
Tất cả các hồ đều được thiết kế kiểu lòng chảo, có đầu thoát và đầu cấp nước rất tiện lợi. Khi nước vào bể sẽ tạo thành vòng xoáy, cá sẽ bơi ngược dòng, tất cả chất thải của con cá được đưa xuống bể lắng nên bảo đảm được nguồn nước trước khi đưa ra môi trường không bị ô nhiễm và đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống quanh khu nuôi cá, giảm rủi ro cho người chăn nuôi.
Bản chất của cá hồi là sống ở nước mặn rồi quay về nước ngọt để đẻ trứng sau đó lại trở về biển. Chính vì vậy, cá hồi cần một lượng muối để cơ thể phát triển. HTX đã cho cá hồi tắm muối để tạo môi trường tốt nhất và cũng là cách để cá xả stress.
HTX sử dụng máy sục khí nhằm bổ sung ô xy trong nước để cá nuôi phát triển tốt. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 1,5 kg/con. Với diện tích 1.500m2, mỗi năm, sản lượng của HTX là 15-20 tấn.
“Tuy mức đầu tư nuôi cá này cao hơn nhiều so với nuôi cá truyền thống nhưng chỉ cần có nguồn nước sạch, giống và thức ăn bảo đảm chất lượng là cá có thể phát triển ổn định”- ông Nguyễn Trọng Cử-Giám đốc HTX, cho biết.
Chủ động sản xuất, tập trung chế biến
Hiện nay, HTX đang tập trung sản xuất cá hồi giống nhằm chủ động trong sản xuất. Để thực hiện mục tiêu trên, thông qua doanh nghiệp, HTX đã chủ động tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá hồi vân tam bội từ kết quả nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thiên nhiên Phần Lan và các nhà sản xuất giống cá hồi hàng đầu của châu Âu (Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp).
Đối với khu nuôi cá bố mẹ, HTX đã tiến hành nâng cấp khu nuôi trên cơ sở diện tích hiện có thành hệ thống các bể nuôi cá có thể tích 50-100m3/bể, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật.
Đối với khu ấp trứng, HTX đã cải tạo các hệ thống bể nuôi vỗ cá bố mẹ 700m3, bể ương 150m3 và bể nuôi cá thương phẩm 500m3 trên tổng thể tích 1.500-2.000m3, đảm bảo yêu cầu để cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Song song đó, HTX đầu tư công nghệ nuôi thương phẩm và chế biến cá hồi vân hun khói với các quy trình như: chọn và thả cá giống, chăm sóc và quản lý cá, thu hoạch và vận chuyển cá sống, xử lý cá, chế biến và bảo quản…
Với quy trình này, HTX chủ động nguồn giống phục vụ sản xuất với tỷ lệ cá thương phẩm sống đạt trên 80% và năng suất đạt 15-20 kg/m3.
Cá sau khi chế biến đều đảm bảo yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn phục vụ trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, HTX có cả nhà hàng cá hồi, cá tầm ở Km12 – Khu du lịch Thác Bạc (Sa Pa), và 2 nhà hàng ở Hà Nội để quảng bá và thực hiện mô hình này.
Với quy trình sản xuất an toàn và lợi thế khu du lịch, mô hình sản xuất của HTX được đánh giá là rất có tiềm năng phát triển và mở rộng theo hướng bền vững.
Như Yến