Nuôi đà điểu ít chất thải hơn nuôi lợn, bò |
Với quy mô 2ha và 100 con, hiện nay, HTX Song Mã đang cung cấp thịt đà điểu cho nhiều tỉnh, thành của cả nước. Đầu ra thuận lợi cũng là điểm tựa để HTX tiếp tục mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa.
Sạch là yêu cầu số một
Đà điểu là vật rất ít mắc bệnh nhưng để chúng phát triển khỏe mạnh, khu vực chuồng trại phải thật sạch và phải trồng các loại cây tạo bóng mát như cây keo, chuối để đà điểu tránh nóng. Áp dụng nguyên tắc đó, HTX đã xây dựng chuồng trại kiên cố chia thành 2 dãy, thông thoáng nhưng theo hình thức bán hoang dã.
Đà điểu vừa cao to vừa có sức mạnh nên mỗi khu chuồng trại và sân bãi đều được rào kỹ bằng lưới kẽm B40 với chiều cao từ 1,5 - 2m, có hàng cọc trụ bằng bê tông cốt sắt chắc chắn.
Anh Trần Quang Ích, Giám đốc HTX, chia sẻ trong tất cả các con vật, nuôi đà điểu là nhàn nhất. Thức ăn của nó chủ yếu là rau cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc… chứ không cần cám công nghiệp đắt tiền. Trên thực tế, một lao động có thể chăm sóc 200 con đà điểu nên tiết giảm tối đa nhân lực mà hiệu quả kinh tế lại cao. Tuy nhiên, đà điểu rất sợ tiếng ồn nên trang trại của HTX phải tách biệt với khu dân cư. Điều đặc biệt là so với nuôi bò, lợn gà, đà điểu có ít chất thải hơn, ít gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đem lại giá trị kinh tế cao.
Chỉ cần nuôi một năm, đà điểu có thể đạt trọng lượng trên 100kg, bán giá bán 90 - 110 nghìn đồng/kg hơi, 250 – 270 nghìn đồng/kg thịt. Trừ chi phí, HTX thu về khoảng 400 triệu đồng/năm.
Để quy trình giết mổ bảo đảm vệ sinh, HTX xây dựng khu giết mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có khu xử lý nước thải. Máy hút chân không cũng được đầu tư. Nhờ đó, thực phẩm của HTX nhiều lúc không đủ cung cấp cho khách hàng.
Ngoài tạo việc làm và thu nhập cho 10 thành viên, HTX còn tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Trong chăn nuôi, khi bị dịch bệnh, tình trạng mất trắng là rất có thể. Chính vì vậy, để nâng cao sức khỏe cho đàn đà điểu, HTX tập trung vào công tác phòng bệnh. Ngoài việc vệ sinh khử trùng, cách ly với vật nuôi xung quanh, hạn chế người từ nơi khác tới, HTX cũng chủ động phòng bệnh cho vật nuôi bằng vắc xin.
Theo Ban giám đốc HTX, đối với đà điểu, việc trị một số bệnh thường không hiệu quả vì khi đà điểu bị bệnh thường có triệu chứng khá nặng, ngoài ra còn có thể bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh kế phát khiến tình trạng sức khỏe của đà điểu càng tồi tệ. Chính vì vậy, phương án tốt nhất là phòng bệnh.
Bên cạnh đó, HTX cũng thực hiện nghiêm túc công đoạn khử trùng trứng, vệ sinh máy ấp nở, vệ sinh chuồng trại phun thuốc khử trùng định kỳ, nhất là thảm lót nền để hạn chế vi khuẩn có hại. Những quả trứng bẩn, đẻ vào mùa mưa, không đáp ứng được yêu cầu cũng được loại bỏ.
Khách tham quan khu vực chăn nuôi của HTX cũng phải tuân thủ chế độ vệ sinh khử trùng. Các thành viên đều phải khử trùng tay, vật dụng phục vụ chăn nuôi vệ sinh hàng ngày, đồ bảo hộ lao động giặt sạch và chỉ sử dụng ở khu vực sản xuất.
Nhờ đó mà từ khi chăn nuôi đến nay, mô hình sản xuất của HTX hoàn toàn bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm, thiệt hại từ sản xuất cũng không xảy ra. Ngoài cung cấp thịt đà điểu, giờ đây, HTX còn mở rộng cung cấp con giống và trứng đà điểu.
Mô hình sản xuất của HTX Song Mã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương và gia đình thành viên rất cần được nhân rộng để phát huy hiệu quả kinh tế và môi trường.
Huyền Trang.